Từ 3/3, đất chuyển nhượng bằng giấy viết tay được cấp sổ đỏ

Từ 3/3, đất chuyển nhượng bằng giấy viết tay được cấp sổ đỏ
Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội cho biết, nghị định này sẽ chính thức có hiệu lực ngày 3/3 tới. Trước đây, luật chỉ cho phép những trường hợp mua bán nhà đất bằng giấy tay đến trước ngày 1/7/2004 được cấp sổ đỏ nay mở rộng đến trước ngày 1/1/2008. Điều luật bổ sung sửa đổi này sẽ mang lại những tác động tích cực tới công tác kiểm tra, ký cấp sổ đỏ cho những thửa đất mua bán bằng giấy tờ viết tay.

Quận, huyện là nơi có trách nhiệm kiểm tra, ký cấp sổ đỏ cho những thửa đất mua bán bằng giấy tờ viết tay.  Quận, huyện phải xác minh tình trạng của những thửa đất trên sau đó gửi cho văn phòng đăng ký đất đai. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm in thông tin trên phôi sổ đỏ và gửi lại cho quận, huyện ký cấp cho người dân.

Điều kiện để cấp sổ đỏ là nhà, đất đó hiện sử dụng ổn định, phù hợp quy hoạch và không có tranh chấp, khiếu nại; đảm bảo yêu cầu về công khai, minh bạch, đồng thời thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.

Về các thủ tục cấp sổ đỏ cho những thửa đất mua bán bằng giấy tờ viết tay, trước tiên người dân mang giấy tờ viết tay tới quận, huyện. Sau đó sẽ được hướng dẫn các thủ tục theo quy định của Nhà nước về việc cấp sổ đỏ.

Hồ sơ xin cấp sổ đỏ bao gồm:

1) Đơn xin cấp Giấy chứng nhận (theo mẫu);

2) Giấy tờ chứng minh việc quản lý sử dụng ổn định mảnh đất; (bao gồm giấy tờ viết tay liên quan tới mảnh đất).

3) Sơ đồ nhà ở hoặc công trình xây dựng ( trừ trường hợp trong giấy tờ nhà, đất đã có sơ đồ nhà ở hoặc công trình xây dựng) (nếu có);

4) CMTND, Hộ khẩu thường trú của người sử dụng đất;

5) Văn bản uỷ quyền nộp hồ sơ hoặc nhận Giấy chứng nhận (nếu có).

6) Bản sao các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định của pháp luật (nếu có).

Luật sư Sỹ Hoàng – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: Nếu giấy tờ mua bán nhà đất viết tay không có bên thứ 3 làm chứng thì về mặt hình thức đó là giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức theo điều 129 Bộ luật Dân sự.

Tuy nhiên, trong hai trường hợp sau thì giao dịch đó vẫn sẽ có hiệu lực.

Thứ nhất, nếu giao dịch dân sự đó được một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.

Thứ hai, giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.

Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội sẽ hoàn thành việc cấp sổ đỏ cho những trường hợp vướng mắc đến hết tháng 6/2017. Được biết, tính đến ngày 31/12/2015, Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu tại khu dân cư cho 1.250.212/ 1.457.478 thửa đất, đạt 86%, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 10.547/ 19.247 thửa đất của các tổ chức, đạt 56% và cấp 93.030 giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho người mua nhà tại các dự án phát triển nhà ở.
Theo: doisongphapluat.com

Có thể bạn quan tâm