Từ 1/1/2016, lao động trong doanh nghiệp nhà nước đóng bảo hiểm xã hội theo tiền lương ghi trong hợp đồng lao động

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết: Người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định sẽ được thực hiện theo lộ trình quy định tại khoản 2 Điều 89 của Luật Bảo hiểm xã hội. Từ ngày 1/1/2016 đến 31/12/2017, tính đóng bảo hiểm xã hội theo mức lương và phụ cấp lương ghi trong hợp đồng lao động.

Như vậy so với quy định trước đây, tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội giai đoạn 2016-2017 có thêm khoản phụ cấp lương. Từ ngày 1/1/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động. 

So với quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, quy định này có điểm mới là người lao động trong doanh nghiệp nhà nước, hưởng lương theo hệ số theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP (quy định hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong các công ty nhà nước), trước năm 2016 đang đóng, hưởng bảo hiểm xã hội theo hệ số, từ ngày 1/1/2016 trở đi tính đóng bảo hiểm xã hội theo tiền lương ghi trong hợp đồng lao động như những người lao động làm việc trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, bình đẳng giữa hai khu vực. Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2016 là tiền lương ghi trong hợp đồng lao động, gồm thêm phụ cấp lương và từ ngày 1/1/2018 thêm cả các khoản phụ cấp khác. 

Tu 1/1/2016, lao dong trong doanh nghiep nha nuoc dong bao hiem xa hoi theo tien luong ghi trong hop dong lao dong hinh anh 1
Ảnh minh họa- TTXVN



Từ ngày 1/1/2016, những người hưởng lương theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định (công chức, viên chức nhà nước hưởng lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP), tiền lương để tính đóng bảo hiểm xã hội không thay đổi, vẫn đóng bảo hiểm xã hội theo tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có). Viên chức quản lý chuyên trách trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu đóng bảo hiểm xã hội theo hệ số tiền lương quy định tại Nghị định số 51/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, hoặc Phó Giám đốc, Kế toán trưởng trong Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. 

Tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc năm 2016 cũng không thay đổi. Tổng tỷ lệ đóng là 26% tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội; trong đó người lao động đóng bằng 8% tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội (đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất), người sử dụng lao động đóng bằng 18% tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội (14% vào quỹ hưu trí, tử tuất; 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, 3% vào quỹ ốm đau, thai sản). 

Chu Thanh Vân

Tin liên quan

Những đối tượng được điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng từ năm 2022

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Nghị định 108/2021/NQ-CP về việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng trước ngày 1/1/2022.


Đơn giản về thủ tục, rút ngắn tối đa thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động

Tạo sự thuận tiện, đơn giản về thủ tục, rút ngắn tối đa thời gian thực hiện nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người lao động sớm nhận được hỗ trợ, người sử dụng lao động được giảm trừ mức đóng kịp thời. Đây là yêu cầu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đối với các đơn vị trực thuộc, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trong tổ chức, thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.



Đề xuất