Truyền thông Hoa Kỳ: Một kỷ nguyên mới trong quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam

Truyền thông Hoa Kỳ: Một kỷ nguyên mới trong quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam

Bài báo nhận định cuộc gặp giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Obama đã đặt dấu mốc quan trọng cho một câu chuyện mới đang được mở ra. Vượt qua quá khứ và sự khác biệt về tư tưởng, giờ đây Việt Nam và Hoa Kỳ đang sẵn sàng mở rộng quan hệ đối tác toàn diện. Mối quan hệ đối tác đang phát triển này tạo ra cơ chế thúc đẩy hợp tác trong quan hệ chính trị và ngoại giao, thương mại và kinh tế, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, môi trường và sức khỏe, các vấn đề về di chứng chiến tranh, quốc phòng và an ninh. 

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh : Trí Dũng – TTXVN
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh : Trí Dũng – TTXVN

Bài báo nhắc lại thời gian đầu trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ sau khi hai nước nối lại quan hệ song phương, kim ngạch thương mại giữa hai nước chỉ đạt 450 triệu USD, nhưng năm 2014, con số này đã vọt lên gần 39 tỷ USD; thu nhập của người dân Việt Nam cũng tăng 6 lần, từ 560 USD vào năm 1988 lên 3.354 USD; người dân ở tầng lớp trung lưu trong vòng 5 năm qua cũng tăng gấp đôi. Hơn nữa, việc 17.000 du học sinh Việt Nam đang theo học tại Hoa Kỳ càng củng cố hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực giáo dục giữa hai nước. 

Theo "The Washington Times", ngày nay, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa tới Hoa Kỳ nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trong khối ASEAN. Mối quan hệ kinh tế này đã tạo ra hàng nghìn việc làm tại Việt Nam cũng như Hoa Kỳ. Với dân số 90 triệu người, 1/3 trong số đó ở độ tuổi dưới 20 và mức tăng trưởng GDP trung bình là 7% trong vòng 25 năm qua, Việt Nam được các doanh nghiệp Hoa Kỳ biết đến như một trong những thị trường tiềm năng nhất tại khu vực Đông Nam Á. Cùng với 10 quốc gia khác, Việt Nam và Hoa Kỳ đang đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhằm thiết lập một khu vực thương mại tự do chiếm 40% GDP và 1/3 kim ngạch thương mại toàn cầu. Hiệp định này sẽ tạo ra nhiều việc làm có chất lượng hơn cũng như sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở cả Hoa Kỳ, Việt Nam và các nước tham gia TPP khác. Mối quan hệ đang mở ra này được công nhận như là một trong những mối quan hệ song phương quan trọng nhất trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. 

Bài báo còn dẫn một khảo sát gần đây do Nhóm tư vấn Boston (BCG) tiến hành đối với 2.000 người tiêu dùng thành thị của Việt Nam cho thấy Việt Nam là nước có tầng lớp trung lưu phát triển nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á. Việt Nam hiện đang sản xuất giày cho Nike, chip máy tính cho Intel, máy ảnh cho Cannon, xe máy cho Honda, điện thoại thông minh cho Samsung và thị trường tiêu dùng đang mở rộng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama gặp gỡ báo chí. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN
 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama gặp gỡ báo chí. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN

Theo thỏa thuận quan hệ đối tác toàn diện, có 3 lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong nỗ lực của hai chính phủ để đạt được sự hợp tác gần gũi hơn. Thứ nhất là vấn đề nhân quyền. Chính phủ Việt Nam nhận thức rõ những quan tâm của Quốc hội Hoa Kỳ về tình hình nhân quyền của Việt Nam. Việt Nam đã được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014 – 2016 với số phiếu cao nhất. Trong chuyến thăm Hoa Kỳ mới đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh chính phủ Việt Nam đã có “những nỗ lực không ngừng để thúc đẩy nhân quyền” như là một phần của quá trình cải cách. Hiến pháp sửa đổi năm 2013 của Việt Nam đã dành riêng một chương cho vấn đề nhân quyền. Trọng tâm của quá trình đối thoại bao gồm những cuộc hội đàm liên tục giữa những cơ quan có liên quan của Hoa Kỳ và Bộ Công an Việt Nam về vấn đề nhân quyền. Thứ hai, sau nhiều năm bị cô lập về kinh tế, Việt Nam đã mở cửa với phương Tây và giai đoạn từ 1990 – 2010, Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng GNP cao nhất thế giới. Thêm vào đó, Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007. Việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ được thành lập vào cuối năm 2015 với Việt Nam là một thành viên sẽ là một yếu tố quyết định để quốc gia này thu hút các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, những điểm làm nổi bật mức độ hợp tác trong quan hệ đối tác Hoa Kỳ - Việt Nam gồm: Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư FDI hàng đầu và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam; trao đổi ngoại giao cấp cao hiện đã trở nên thường xuyên hơn; các tàu Hải quân Mỹ đã thực hiện hơn 15 chuyến thăm tới các cảng của Việt Nam từ năm 2003; cả Hoa Kỳ và Việt Nam tiếp tục hợp tác với nhau trong việc giải quyết các di chứng từ cuộc chiến tranh Việt Nam, trong đó có vấn đề chất độc da cam/dioxin và việc loại bỏ bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ đại diện các tầng lớp xã hội Việt Nam - Hoa Kỳ. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ đại diện các tầng lớp xã hội Việt Nam - Hoa Kỳ. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN

Trong khi đó, tiến sĩ Jonathan London, chuyên gia về quan hệ Việt – Mỹ từ Hong Kong, nhận định chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mang một tầm quan trọng thực tiễn. Đó là cơ hội để lãnh đạo hai nước hiểu nhau nhiều hơn, sâu hơn. Với sự có mặt của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton (Bin Clin-tơn) tại Hà Nội và việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp Tổng thống Barack Obama và Phó Tổng thống Joe Biden (Giô Bai-đơn) sẽ là một cơ hội rất tốt và thực sự có ý nghĩa cho việc mở rộng giao thương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ./. 

 

Có thể bạn quan tâm