Trưởng thôn mẫu mực giúp bà con S'tiêng đẩy lùi cái nghèo

Trưởng thôn Điểu Dũng chăm sóc cây trong vườn. Ảnh: baobinhphuoc.com.vn
Trưởng thôn Điểu Dũng chăm sóc cây trong vườn. Ảnh: baobinhphuoc.com.vn

Về thôn Thác Dài, xã Phú Văn, huyện biên giới Bù Gia Mập (Bình Phước) khi hỏi về Trưởng thôn Điểu Dũng, người dân địa phương ai cũng biết. Ông Điểu Dũng không chỉ phát triển kinh tế gia đình tốt, còn luôn gương mẫu trong công việc chính quyền, nhân dân địa phương giao phó.

Trưởng thôn mẫu mực giúp bà con S'tiêng đẩy lùi cái nghèo ảnh 1Trưởng thôn Điểu Dũng chăm sóc cây trong vườn. Ảnh: baobinhphuoc.com.vn

Được người dân tin tưởng bầu làm Trưởng thôn từ năm 2014, ông Điểu Dũng (40 tuổi, người dân tộc S’tiêng) đã không ngừng phấn đấu trong công tác, tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi hợp lý, áp dụng khoa học - kỹ thuật nâng cao chất lượng sản xuất, xóa bỏ tập tục lạc hậu ở địa phương… Qua đó, ông Điểu Dũng đã góp phần không nhỏ nâng cao đời sống nhân dân trong thôn.

Ông Điểu Dũng cùng Ban điều hành thôn đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để “truyền tải” đưa chính sách của Đảng, Nhà nước về với nhân dân. Trưởng thôn Thác Dài tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, sẵn sàng giúp đỡ nhau khi khó khăn.

Ông Điểu Dũng cho biết ông làm trưởng thôn ở đây đã hơn 6 năm. Là người sinh ra, lớn lên ở địa phương, ông rất hiểu cuộc sống làm ăn, phong tục tập quán trong thôn. Đời sống kinh tế bà con còn gặp nhiều khó khăn nên ông luôn cố gắng hết sức tuyên truyền, giúp đỡ họ từng bước vượt khó.

Ông Điểu Dũng luôn tâm niệm, làm Trưởng thôn là phải thật tốt, làm việc có ích, có lợi cho bà con. Khi đi tuyên truyền để cho dân hiểu, dân tin, làm theo, trước tiên bản thân phải gương mẫu đi đầu trong các phong trào ở địa phương. Ở đây hầu hết bà con trồng cây điều, một số hộ trồng cây cao su, một số hộ chăn nuôi; nhiều hộ vẫn canh tác phó thác cho tự nhiên nên hiệu quả thấp lắm. Ông đã cầm tay chỉ việc, hướng dẫn bà con nhiều giải pháp, tận dụng các nguồn vốn ưu đãi, áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi để nâng cao năng suất hơn.

Việc thay đổi nhận thức về phong tục cưới hỏi, ma chay để tránh gây lãng phí cũng luôn được Trưởng thôn Điểu Dũng quan tâm. “Riêng bà con dân tộc thiểu số ở đây vẫn còn nặng về phong tục tập quán. Từ khi được chúng tôi tuyên truyền thường xuyên, bà con đã phần nào nhận thức tốt trong tổ chức đám cưới, đám hỏi, ma chay đơn giản hơn tùy vào điều kiện kinh tế mỗi gia đình để tránh lãng phí tiền của, sức khỏe”, ông Điểu Dũng chia sẻ thêm.

Hiện nay, thôn Thác Dài có 239 hộ, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số 174 hộ. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 32 hộ so với 70 hộ trong năm 2019. Từ những nguyện vọng của bà con, Trưởng thôn Điểu Dũng và Ban điều hành thôn đã có nhiều giải pháp hỗ trợ phù hợp để định hướng phát triển kinh tế bền vững hơn. Công tác phòng, chống dịch bệnh, ăn ở hợp vệ sinh, xây dựng nông thôn mới xanh sạch đẹp đều được ông Điểu Dũng sắp xếp thời gian để đến tận nhà tuyên truyền người dân thực hiện tốt nhất.

Từ khi ông Điểu Dũng được bầu làm Trưởng thôn, việc tiếp xúc tuyên truyền ngày càng được lan tỏa sâu rộng hơn bằng tiếng S'tiêng. Bởi trong thôn vẫn còn một số người chưa thể giao tiếp tốt bằng tiếng Việt. Điển hình như gia đình anh Điểu Bích là một trong những hộ nghèo của thôn, từ khi được Trưởng thôn hướng dẫn về cách làm ăn, vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bù Gia Mập, gia đình anh đã thoát nghèo bền vững.

Anh Điểu Bích chia sẻ: “Từ khi tôi lập gia đình, cuộc sống khó khăn hơn. Tuy nhiên, sau vài năm trở lại đây, được ông Điểu Dũng hướng dẫn cách chăm sóc vườn điều và chăn nuôi thêm con trâu, đời sống gia đình đã ổn định hơn trước. Kinh tế phát triển hơn như ngày hôm nay, gia đình tôi cảm ơn ông Dũng và Ban Điều hành thôn nhiều lắm!”.

Không chỉ tận tụy với công việc của một trưởng thôn, ông Điểu Dũng còn được nhiều người “nể” khi có điều kiện kinh tế rất khá ở địa phương, với 14 ha cây cao su, cây điều, hàng năm thu về hàng trăm triệu đồng. Ông còn tạo điều kiện cho 3 lao động trong thôn thường xuyên có việc làm với thu nhập từ 6-7 triệu đồng/người/tháng và nhiều lao động thời vụ khác.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Văn Phan Quang Thinh nhận xét, với vai trò là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Thác Dài, ông Điểu Dũng luôn nhiệt tình, đi đầu trong các phong trào, hoạt động, cũng như vận động người dân ăn ở sạch sẽ, không trông chờ, ỷ lại, biết tự lực vươn lên lao động sản xuất. Ông Điểu Dũng là hội viên nông dân rất linh hoạt trong phát triển kinh tế, biết vận dụng kiến thức khoa học - kỹ thuật cũng như kinh nghiệm vào sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo điều kiện giải quyết việc làm thường xuyên cho người lao động khó khăn về kinh tế.

Với những việc làm cụ thể, ông Điểu Dũng xứng đáng là gương Trưởng thôn mẫu mực điển hình, góp phần không nhỏ trong xây dựng nông thôn mới, đẩy lùi cái nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

K GỬIH

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm