Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Tập khơi dậy tình yêu biển đảo cho học sinh

Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Tập khơi dậy tình yêu biển đảo cho học sinh

Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đã xây dựng mô hình giao thông đường bộ và sa bàn biển đảo Việt Nam ngay trong khuôn viên nhà trường. Việc làm này không những giúp các em học sinh vùng cao có thêm cơ hội để tiếp cận và hiểu rõ hơn về Luật Giao thông đường bộ và thúc đẩy tình yêu đối với biển đảo Việt Nam trong các em nhỏ.

Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Tập khơi dậy tình yêu biển đảo cho học sinh ảnh 1Mô hình giao thông của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập. Ảnh: baoquangnam.vn

Xây dựng mô hình giao thông trên sân trường

Cuối năm 2019, từ nguồn vốn hỗ trợ của huyện Nam Trà My và nguồn đóng góp của các "mạnh thường quân", Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Tập đã xây dựng mô hình giao thông đường bộ và sa bàn biển đảo Việt Nam ngay trong khuôn viên nhà trường.

Khi làm mô hình, nhà trường gặp không ít khó khăn về khâu thiết kế bản vẽ. Bản vẽ ban đầu được các giáo viên trong trường vẽ tay, sau đó nhờ một người khác thiết kế lại trên máy tính, rồi mới đến bước tiến hành xây dựng theo mẫu. Khi thực hiện xây dựng, các giáo viên trong trường cùng chung tay phối hợp với những người thợ xây để cho ra một sản phẩm hoàn thiện và chính xác nhất.

Đến nay, mô hình giao thông đường bộ tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Tập cơ bản đã được hoàn thành. Mô hình bao gồm hệ thống biển báo, vòng xuyến, vỉa hè, đường một chiều, đèn tín hiệu giao thông…

Với mô hình giao thông ngay tại sân trường, hiện nay, các giáo viên có thể trực tiếp hướng dẫn cho các em học sinh hiểu rõ hơn về Luật Giao thông đường bộ, các biển báo và học cách để đi đúng phần đường của mình, chấp hành theo tín hiệu đèn giao thông.

Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Tập Lê Huy Phương cho biết: Những năm qua, chính quyền huyện miền núi cao Nam Trà My đã đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống đường giao thông đến từng thôn, nóc. Tuy nhiên, nhận thức của bà con nơi đây về Luật Giao thông đường bộ còn nhiều hạn chế.

Đặc biệt, 100% các học sinh tại trường đều là đồng bào dân tộc thiểu số, việc giáo dục cho các em hiểu và tham gia giao thông theo đúng quy định của pháp luật là việc rất khó khăn. Do đó, mô hình giao thông thực tế được xây dựng trong sân trường là cách giáo dục thực tiễn nhất, giúp các em học sinh nâng cao hơn nữa hiểu biết của mình về Luật Giao thông đường bộ. Từ đó, làm giảm thiểu tai nạn giao thông tại nơi đây.

Mang tình yêu biển đảo vào trường học

Bên cạnh việc xây dựng mô hình giao thông, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Tập còn xây dựng sa bàn bản đồ Việt Nam nằm trong khuôn viên nhà trường. Sa bàn được xây dựng trên diện tích 120m2, với thiết kế là bản đồ thu nhỏ của đất nước Việt Nam. Đặc biệt, trong sa bàn này có thể hiện rõ khu vực Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và các hòn đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Tập khơi dậy tình yêu biển đảo cho học sinh ảnh 2Giáo dục học sinh thông qua sa bàn bản đồ Việt Nam. Ảnh: baoquangnam.vn

Ngoài giờ học chính, các giáo viên tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Tập sẽ tranh thủ những giờ giải lao hoặc những giờ hoạt động ngoại khóa để giới thiệu cho các em học sinh hiểu rõ hơn về đất nước và con người Việt Nam. Việc giáo dục thực tiễn trên sa bàn này giúp các em học sinh dễ dàng hình dung, nắm bắt được vị trí địa lí, lãnh thổ vùng biển và quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa yêu quý của đất nước.

Cô Trần Thị Tú Điển, giáo viên tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Tập chia sẻ, từ khi nhà trường dạy học trên mô hình thực tiễn này, các em học sinh đều rất phấn khởi với việc học. Thông qua việc học trên sa bàn, các em học sinh chưa biết nhiều hoặc chưa có điều kiện ra thăm quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa sẽ có cái nhìn gần gũi, và hiểu sâu hơn về hai quần đảo này. Đồng thời, giúp các em dễ dàng nắm bắt được những kiến thức lịch sử, địa lý về đất nước và con người Việt Nam.

Ngoài ra, các thầy cô giáo dạy cho các em học sinh biết được, các thế hệ cha ông đi trước đã phải qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, thậm chí hy sinh biết bao xương máu mới có được một bản đồ đất nước Việt Nam toàn vẹn, hòa bình và phát triển như ngày nay. Từ đó, giúp các em học sinh khơi dậy tình yêu đối với quê hương, đất nước và có cảm nhận sâu sắc hơn về biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Trà My Võ Đăng Thuận cho biết, với điều kiện là vùng miền núi cao còn nhiều khó khăn như huyện Nam Trà My, việc đầu tư xây dựng mô hình giao thông đường bộ và sa bàn biển đảo Việt Nam để dạy học cho học sinh là cách dạy mới và rất thiết thực. Qua đó, vừa góp phần giúp các thế hệ học sinh hiểu rõ hơn về Luật Giao thông đường bộ, vừa truyền thông điệp về giữ gìn biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc đến các em học sinh.

Thời gian tới, Phòng sẽ lên kế hoạch bổ sung vào những giờ học ngoại khóa thông qua mô hình thực tiễn này, tạo điều kiện cho các em ở những trường khác trên địa bàn có cái nhìn trực quan hơn về pháp luật và đất nước Việt Nam. Đồng thời, truyền đi thông điệp về sự hiểu biết và tình yêu đối với quê hương, biển đảo đến từng em học sinh.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam Nguyễn Công Thành cho biết, dù là ở đâu, công tác tuyên truyền về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo Việt Nam và công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Đảng, Nhà nước cho các em học sinh luôn được quan tâm, chú trọng. Thông qua các mô hình giao thông và bản đồ đất nước trong trường học, ngành Giáo dục tỉnh đã và đang thành công trong công tác đổi mới phương pháp giáo dục. Qua đó, góp phần nâng cao tư tưởng, đạo đức, lối sống, ý thức về chủ quyền biển đảo và lan tỏa các giá trị lịch sử, mang tình yêu biển đảo đến gần hơn với các em học sinh tại địa phương.

Trần Tĩnh - Khoa Chương

TTXVN

Có thể bạn quan tâm