Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh: Biến bất lợi thành lợi thế phát triển trung du, miền núi Bắc Bộ

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh: Biến bất lợi thành lợi thế phát triển trung du, miền núi Bắc Bộ

Ngày 8/6, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 1/7/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết chủ trì Hội nghị.

Nhiều điểm nghẽn, hạn chế được khơi thông

Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ là khu vực có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của cả nước, là vùng “phên dậu”, “lá phổi” của Tổ quốc; là “cội nguồn” của dân tộc và là an toàn khu, “cái nôi” của cách mạng Việt Nam. Đây cũng là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển nhanh và bền vững; tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú; có nhiều di sản văn hóa đặc sắc...

Với ý nghĩa, vai trò quan trọng như vậy, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đã được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW và Kết luận số 26-KL/TW ngày 2/8/2012 nhằm phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng.

Mục tiêu Nghị quyết 37-NQ/TW đặt ra là đẩy nhịp độ phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ cao hơn nhịp độ phát triển chung của cả nước; cải thiện rõ rệt hạ tầng kinh tế - xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng an ninh của vùng; khai thác mạnh các nguồn tài nguyên, thế mạnh về đất đai, khí hậu, khoáng sản, thủy điện, lợi thế về cửa khẩu để phát triển các ngành kinh tế. Nghị quyết cũng đặt ra mục tiêu hoàn thành định canh, định cư và đưa dân trở lại biên giới; hạn chế tối đa việc di dân tự do vào Nam và các vùng khác; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh, ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia.

Để triển khai Nghị quyết, Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành một số cơ chế, chính sách ưu tiên và dành nguồn lực để tập trung đầu tư vào các ngành, lĩnh vực, địa bàn thông qua các quy hoạch, kế hoạch và các chương trình mục tiêu, dự án quốc gia… Bên cạnh đó là sự chủ động, sáng tạo nắm bắt cơ hội, cố gắng vươn lên của hệ thống chính trị và đồng bào các dân tộc. Vì vậy, sau 17 năm (2004-2020) thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW, phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nhiều điểm nghẽn, hạn chế dần được khơi thông; lợi thế trong nhiều ngành, lĩnh vực được phát huy; đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện.

Phần lớn các chỉ tiêu nhiệm vụ của Nghị quyết 37-NQ/TW và Kết luận 26-KL/TW cơ bản được hoàn thành. Quy mô nền kinh tế được mở rộng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; hệ thống đô thị vùng, đô thị trung tâm cấp vùng được hình thành. Lĩnh vực chính trị ổn định, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố. Lĩnh vực quốc phòng, an ninh được tăng cường, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước.

Tuy nhiên, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh chỉ rõ, bên cạnh những mặt tích cực, vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất của cả nước. Thu nhập bình quân đầu người thấp; tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều chỉ số về văn hóa, xã hội đạt mức thấp hơn trung bình toàn quốc. Cơ cấu kinh tế chưa hiện đại, chuyển dịch chậm; phát triển của các địa phương trong vùng chưa đồng đều. Hầu hết các sản phẩm công nghiệp chế biến vẫn ở dạng chế biến thô và gia công. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp và đổi mới mô hình sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, hiệu quả thấp; du lịch phát triển chưa bền vững. Lĩnh vực an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vẫn tiềm ẩn những vấn đề phức tạp. Nhiều hạn chế, yếu kém mà Nghị quyết 37-NQ/TW và Kết luận 26-KL/TW chỉ ra chưa được cải thiện nhiều.

Tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng, các địa phương trong vùng

Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, để khắc phục, tháo gỡ những nút thắt, nhằm định hướng phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ trong thời gian tới, Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức Tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW. Kết quả tổng kết là cơ sở quan trọng để Ban Chỉ đạo và Ban Kinh tế Trung ương tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư đề ra các định hướng, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh yêu cầu các cơ quan, ban, ngành, các địa phương trong quá trình tổng kết cần đi sâu, bổ sung, làm rõ những lợi thế, thách thức mà Nghị quyết 37-NQ/TW chưa đề cập đến, nhất là trong bối cảnh mới; phát hiện các nguồn lực, nhân tố mới cần mở rộng nghiên cứu, làm rõ, đặc biệt trong mối liên hệ với Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và các Nghị quyết chuyên đề có liên quan; trên cơ sở đó, đề xuất trúng và toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội vùng, các địa phương trong vùng, biến các điều kiện bất lợi trở thành lợi thế trong phát triển…

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đề xuất với Ban Chỉ đạo nhiều nội dung để tổ chức tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW một cách toàn diện, sâu sắc, qua đó xác định được định hướng phát triển mới của toàn vùng. Trong đó, các tỉnh như Sơn La, Lạng Sơn, Hà Giang, Điện Biên, Cao Bằng cho rằng cần tập trung đánh giá kỹ, xác định rõ thế mạnh của từng địa phương để xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tổng thể vùng; hình thành các tiểu vùng chuyên môn hóa sâu một số ngành, lĩnh vực, tạo ra các chuỗi liên kết. Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; bảo vệ môi trường sinh thái... Một số ý kiến cho rằng cần tập trung đánh giá đầy đủ thực tế bức tranh phát triển của vùng thời gian qua, xây dựng mô hình, thu hút các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển, nhất là các ngành, lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao.

Đánh giá cao sự làm việc tích cực, đóng góp những ý kiến thẳng thắn, tâm huyết và có tính gợi mở cao của các đại biểu, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương yêu cầu tất cả thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan phát huy tinh thần sáng tạo, vào cuộc quyết liệt, khẩn trương, nghiêm túc thực hiện sự phân công nhằm hoàn thành tiến độ đề ra, xây dựng thành công Đề án tổng kết.

Trên cơ sở nói trên, tất cả thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đề xuất với Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới “Phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến 2030, tầm nhìn 2045”, phù hợp với điều kiện, bối cảnh mới, nhất là thực hiện định hướng phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ được nêu tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là: “Tập trung bảo vệ, khôi phục rừng, nhất là rừng đầu nguồn và có chế độ đãi ngộ tốt hơn đối với người trồng rừng, giữ rừng. Phát triển hiệu quả các cơ sở khai thác gắn với chế biến sâu các loại khoáng sản. Phát triển kinh tế vùng biên, tăng cường quản lý nhà nước, phát huy vai trò kinh tế cửa khẩu. Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết nội vùng và với vùng đồng bằng sông Hồng, Thủ đô Hà Nội. Khai thác thế mạnh về bản sắc văn hóa và điều kiện thiên nhiên để đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng; du lịch sinh thái".

Phan Phương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm