Trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa của Thành cổ Diên Khánh

Trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa của Thành cổ Diên Khánh
Dự án nhằm giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa của Thành cổ Diên Khánh, góp phần phát triển du lịch của tỉnh Khánh Hòa nói chung và huyện Diên Khánh nói riêng. Bên cạnh đó, dự án tiến hành bố trí lại nhà ở, đất ở của các hộ dân thuộc diện giải tỏa trắng (phải bố trí tái định cư) cũng như các hộ dân và một số cơ quan, đơn vị thuộc diện giải tỏa một phần, lâu nay sinh sống, làm việc trong khu vực di tích.

 Quy mô của dự án bao gồm các hạng mục: phục chế phần thành đất, xây mới một cầu vòm bắc qua hào nước ở cổng phía Bắc (cổng Hậu) và 4 tiểu công viên ở 4 góc thành cổ; xây dựng mới hệ thống thoát nước cho hào nước bao quanh thành cổ, nạo vét bùn đất và vệ sinh lòng hào, mái hào xây mới tuyến đường nhựa nằm ngoài đường ranh giới bảo vệ bên trong, bãi đậu xe, khu vực vệ sinh, hệ thống cây xanh, điện chiếu sáng cho toàn bộ khu vực bên trong thành cổ...

Thành cổ Diên Khánh được Chúa Nguyễn xây dựng vào năm Quý Sửu (1793), với lối kiến trúc theo kiểu thành trì quân sự Vauban (Pháp) nhằm phòng thủ, án ngữ và bảo vệ vùng đất Nam Trung bộ. Đây cũng là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Khánh Hòa qua các thời kỳ lịch sử từ năm 1802 (thời nhà Nguyễn) đến đầu năm 1945. Thành cổ Diên Khánh nằm cách thành phố Nha Trang về phía Tây khoảng 10km; hệ thống tường thành có hình lục giác nhưng không đều nhau, được đắp bằng đất với chu vi trên 2.690m, gồm 4 cửa, chiều cao tường thành khoảng 3,5m và diện tích của cả thành hơn 36.000 m2. Di tích đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích Lịch sử cấp quốc gia năm 1988./.
             Tiên Minh
TTXVN

Có thể bạn quan tâm