Trưng bày “Không gian văn hóa Phật giáo Trúc Lâm vùng Tây Yên Tử”

Trưng bày “Không gian văn hóa Phật giáo Trúc Lâm vùng Tây Yên Tử”
Toàn cảnh khu trưng bày triển lãm. Ảnh: Tùng Lâm – TTXVN
 Toàn cảnh khu trưng bày triển lãm. Ảnh: Tùng Lâm – TTXVN
Tại đây, hơn 200 hình ảnh, tài liệu, hiện vật mang giá trị lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, khảo cổ học nổi bật gắn liền với lịch sử phát triển của tỉnh Bắc Giang, quá trình hình thành, hưng thịnh của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và Hoằng dương Phật pháp của ba vị Tam Tổ Trúc Lâm được giới thiệu tới đông đảo du khách như: Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, nhóm đồ gia dụng giai đoạn Lý Trần, một số hiện vật gốm sứ thời Nguyễn, bộ sưu tập bát đĩa thời Lê, nhóm cấu kiện kiến trúc thế kỉ XVII- XVIII, các hình ảnh về lễ hội truyền thống… Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang Nguyễn Sĩ Cầm khẳng định, dọc sườn Tây Yên Tử hiện nay còn lưu lại rất nhiều di tích, công trình lịch sử văn hóa liên quan đến quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhất là vào thời Lý - Trần. Đặc biệt, phía sườn Tây Yên Tử thuộc các huyện: Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động của tỉnh Bắc Giang vào thời Trần còn có hàng loạt các di tích liên quan chặt chẽ đến quá trình hình thành và hưng thịnh của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, được chính các vị Tổ sư của Thiền phái Trúc Lâm cho xây dựng, tu tạo, mở mang để trở thành các chốn tùng lâm lớn như: Chùa Vĩnh Nghiêm, Am Vãi, Hồ Thiên, Yên Mã… Song hành với các danh lam cổ tự là các danh thắng và văn hóa phi vật thể gắn với không gian văn hóa Phật giáo, nhiều lễ hội truyền thống, nhiều thắng cảnh kỳ thú với những cánh rừng nguyên sinh cùng hệ động, thực vật phong phú đã tạo nên những tiềm năng, lợi thế lớn cho phát triển du lịch của tỉnh.
Khách tham quan các hiện vật khảo cổ thời Trần. Ảnh: Tùng Lâm – TTXVN
Khách tham quan các hiện vật khảo cổ thời Trần. Ảnh: Tùng Lâm – TTXVN
Trưng bày “Không gian văn hóa Phật giáo Trúc Lâm vùng Tây Yên Tử” góp phần giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ; nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn, phát huy truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc. Đồng thời, quảng bá tiềm năng về du lịch, tiếp tục thu hút đầu tư xây dựng Khu Du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử. Cũng tại buổi lễ, Ban Tổ chức ra mắt cuốn sách “Di tích và danh thắng Tây Yên Tử” của Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc. Tác phẩm gồm 87 trang, với các bài viết, hình ảnh minh họa của nhiều tác giả, giới thiệu về 12 di tích, danh lam thắng cảnh dọc sườn Tây Yên Tử. Tiêu biểu như: “Chùa Vĩnh Nghiêm trong hành trình về non thiêng Yên Tử” (Đỗ Tuấn Khoa); “Dấu tích những ngôi chùa cổ trên sườn Tây Yên Tử” (Trần Văn Lạng); “Linh thiêng Am Vãi” (Dương Thị Ánh).
Tùng Lâm

Có thể bạn quan tâm