Trồng tre lấy măng giúp nông dân Sơn Phú thoát nghèo

Trồng tre lấy măng giúp nông dân Sơn Phú thoát nghèo
Trồng tre lấy măng tại thôn Nà Lạ, xã Sơn Phú. Ảnh: Quang Đán – TTXVN
Trồng tre lấy măng tại thôn Nà Lạ, xã Sơn Phú. Ảnh: Quang Đán – TTXVN
Chúng tôi tìm về thôn Nà Lạ, thôn có số hộ dân trồng tre lấy măng nhiều nhất xã Sơn Phú. Ông Chúc Văn Cán, Trưởng thôn Nà Lạ cho biết, thôn có 81 hộ dân, 100% là đồng bào dân tộc Dao. Mặc dù, trồng tre lấy măng đã có ở Nà Lạ từ lâu nhưng chỉ tập trung ở một vài hộ trồng nhỏ lẻ. Sau khi thu hoạch, măng đem phơi khô rồi mới bán, vừa tốn công, thu nhập lại không cao nên người dân trong thôn chưa chú ý đến trồng tre. Phải đến năm 2015, sau khi thấy một số hộ dân trong thôn trồng tre Bát Độ, thu, bán sản phẩm măng tươi cho thu nhập cao thì trồng tre lấy măng mới thực sự phát triển mạnh ở Nà Lạ. Hiện nay, tất cả hộ dân trong thôn trồng tre để lấy măng, chủ yếu là tre Bát Độ. Bên cạnh việc trồng cây ăn quả, phát triển chăn nuôi thì cây tre cũng đang là một trong những cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của người dân trong thôn. Nhờ trồng tre lấy măng, nhiều hộ dân trong thôn đã vươn lên thoát nghèo. Tính từ năm 2015 đến nay thôn đã có khoảng 20 hộ thoát nghèo, giảm số hộ nghèo trong thôn xuống còn 41 hộ. Thu nhập bình quân của người dân trong thôn hiện đạt từ 18 – 24 triệu đồng/người/năm. Là một trong những hộ thoát nghèo nhờ trồng tre lấy măng, anh Bàn Văn Triều, dân tộc Dao, thôn Nà Lạ chia sẻ, năm 2009, qua tìm hiểu anh thấy chất đất tại thôn rất phù hợp với việc trồng tre lấy măng, nên anh đã tìm về Phú Thọ mua 200 cây giống tre Bát Độ về trồng trên diện tích đất của gia đình trước đây trồng ngô. Đến năm 2012, từ 200 cây tre giống đã phát triển thành những bụi tre xanh tốt và bắt đầu cho thu hoạch măng. Không chọn cách bán măng khô như nhiều hộ trong thôn trước đây, gia đình anh chọn bán măng tươi bởi giá cả hợp lý, tốn ít công lao động. "Thấy bán măng tươi cho thu nhập ổn định nên tôi tiếp tục mở rộng diện tích, hiện nay gia đình tôi đang có hơn 2.000 bụi tre Bát Độ, mỗi năm cho thu khoảng 15 -16 tấn măng tươi, với giá trung bình khoảng 4.500 đồng/kg, từ việc bán măng mỗi năm gia đình tôi thu về khoảng 65 -70 triệu đồng. Có nguồn thu nhập ổn định từ bán măng, năm 2017 gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo và có vốn để đầu tư trồng thêm cây ăn quả…", anh Triều cho hay.
Anh Bàn Văn Triều, dân tộc Dao, thôn Nà Lạ, xã Sơn Phú, thu hoạch măng. Ảnh: Quang Đán – TTXVN
Anh Bàn Văn Triều, dân tộc Dao, thôn Nà Lạ, xã Sơn Phú, thu hoạch măng.
Ảnh: Quang Đán – TTXVN
Chia sẻ về kinh nghiệm trồng và chăm sóc để tre cho nhiều măng anh Triều cho biết thêm, ưu điểm của cây tre Bát Độ là dễ trồng, dễ chăm sóc, chỉ cần trồng một lần rồi từ đó tre tự phát triển. Sau khi trồng khoảng 3 năm là tre đã cho thu hoạch măng, thời gian thu hoạch có thể kéo dài từ 10 - 15 năm tùy chất đất và kỹ thuật chăm sóc. Vụ măng sẽ bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 9 hằng năm, đến cuối vụ thu hoạch cần tính toán lượng cây trong từng bụi tre mà để lại măng phát triển thành cây. Đồng thời, phải đào bỏ gốc tre già nhằm giúp đất thông thoáng để măng mọc từ thân ngầm khác có điều kiện phát triển tốt hơn… Với  nhiều ưu điểm trồng tre lấy măng đã được các hộ dân ở Nà Lạ chọn là hướng để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Ông Bàn Dùn Phục, dân tộc Dao, thôn Nà Lạ chia sẻ, hiện nay, măng của gia đình ông cũng như các gia đình khác ở trong thôn thu hoạch đến đâu có thương lái trong và ngoài tỉnh về thu mua đến đấy rất nhanh chóng, tiện lợi. Gia đình ông đang có khoảng 1.000 bụi tre Bát Độ, từ việc bán măng tươi và chăn nuôi lợn, mỗi năm gia đình ông thu về khoảng 70 triệu đồng. Từ nguồn thu nhập này năm 2017, gia đình ông đã vươn lên thoát nghèo… Anh Triệu Tiến Phin, Chủ tịch UBND xã Sơn Phú cho biết, Sơn Phú là xã 135 còn nhiều khó khăn của huyện Na Hang. Xã có 643 hộ dân, trên 96% là đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao với 67%. Việc trồng tre lấy măng đã có ở Sơn Phú từ lâu nhưng chỉ thực sự phát triển mạnh trong 6 năm trở lại đây. Qua nghiên cứu, thấy điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp với việc phát triển trồng tre lấy măng, nên xã vận động người dân đưa giống tre Bát Độ vào trồng. Năm 2012, từ nguồn vốn Chương trình 135 và Dự án Tam nông, một số hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn xã được hỗ trợ 6 triệu đồng/hộ để mua tre giống, chủ yếu là giống tre Bát Độ. Hiện nay, trồng tre lấy măng đang được triển khai tại 4 thôn trên địa bàn xã gồm: Nà Lạ, Phiêng Trang, Nà Cọn và Nà Mu, với tổng diện tích khoảng 60 ha, trong đó có khoảng 40 ha đang cho thu hoạch. Từ khi trồng tre lấy măng người dân không còn vào rừng lấy măng như trước, góp phần bảo vệ rừng trên địa bàn xã. Đồng thời, có thêm nguồn thu nhập từ măng đã giúp nhiều hộ dân trên địa bàn xã vươn lên thoát nghèo. Từ đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã hiện xuống còn 53,9%, giảm hơn 10% so với năm 2016… Anh Phin cũng cho biết thêm, thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục khuyến khích người dân trồng tre lấy măng, xã sẽ vận động người dân trồng su su, trồng chè Shan tuyết và nuôi gà thả đồi, chăn nuôi cá lồng… Tiến tới đa dạng hóa các giống cây trồng, vật nuôi…giúp người dân từng bước thoát nghèo bền vững…
Vũ Quang Đán

Có thể bạn quan tâm