Trống thiêng nhớ hồn chiêng

Trống thiêng nhớ hồn chiêng
Xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà (Kon Tum) có tất cả 8 thôn, làng hiện còn lưu giữ 11 bộ cồng chiêng, trong đó 3 bộ của tập thể, 8 bộ của cá nhân; riêng trống thì chỉ còn 3 bộ, mỗi bộ 6 cái. Mặc dù văn hóa truyền thống của người bản địa ngày càng bị mai một nhưng hiện nay tại xã Ngọc Réo vẫn còn 3 làng là Kon Rôn, Kon Brai và Đăk Phía vẫn duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống của tộc người Xê Đăng Tơ-đra, lưu giữ tiếng cồng chiêng, tiếng trống thiêng của các làng đồng bào dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên. 
 
Các chàng trai, cô gái dân tộc Brâu biểu diễn cồng chiêng, múa xoang trong Lễ hội mừng nhà rông mới ở thôn Đăk Mế, xã Bờ Y (Ngọc Hồi, Kon Tum). Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN
 Các chàng trai, cô gái dân tộc Brâu biểu diễn cồng chiêng, múa xoang trong Lễ hội mừng nhà rông mới ở thôn Đăk Mế, xã Bờ Y (Ngọc Hồi, Kon Tum). Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Điều đặc biệt là chỉ khi làng tổ chức Lễ Bắn thì bà con mới có dịp chiêm ngưỡng, mới được dùng trống thiêng và chiêng thiêng. Tại các nhà Rông của 3 làng chỉ còn lại dàn trống thiêng cơ bản nguyên vẹn, còn chiêng thiêng đã mất gần hết. Ngồi nhìn dàn trống treo tít trên cao trong nhà Rông làng Đăk Phía, già làng A Vai trầm ngâm: “Lúc trước chiêng trống đầy đủ, trống với chiêng hòa quyện vào nhau, bây giờ chiêng mất hết rồi, trống buồn nhớ hồn chiêng nên tiếng nó không hay nữa.” 
Già A Vai kể rằng làng Đăk Phía trước đây có đủ 1 bộ ba cái chiêng thiêng, thứ tự là chiêng Y Thiêng (còn được gọi là chiêng Cha), chiêng Y Kô (chiêng Mẹ) và chiêng Bruông (chiêng Con). Sau chiến tranh thất lạc và bị mất 2 chiếc Mẹ và Con chỉ còn lại duy nhất một chiếc chiêng Cha trơ trọi. Vì vẫn phải giữ đúng truyền thống hòa tiếng chiêng thiêng và trống thiêng vào Lễ Bắn của làng mà người dân nơi đây vẫn mang chiêng thiêng ra đánh cùng trống thiêng (trống cổ Hơgrâr) trong nhà rông, tuy nhiên vì chỉ còn 1 cái chiêng thiêng, nhịp không hòa được cùng 6 chiếc trống thiêng nên tạo âm đơn lẻ, trầm buồn như lời truyền miệng của bà con rằng trống thiêng nhớ hồn chiêng đã mất. 

Các cô gái dân tộc Brâu biểu diễn điệu múa xoang trong Lễ hội mừng nhà rông mới vừa được đưa vào sử dụng ở thôn Đăk Mế, xã Bờ Y (Ngọc Hồi, Kon Tum). Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN
Các cô gái dân tộc Brâu biểu diễn điệu múa xoang trong Lễ hội mừng nhà rông mới vừa được đưa vào sử dụng ở thôn Đăk Mế, xã Bờ Y (Ngọc Hồi, Kon Tum). Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Cả làng Kon Brai thì chỉ còn lại một cái chiêng Con, già làng A Plong cho biết vì sợ mất như hai chiếc Cha và Mẹ nên dân làng cùng chủ của nó cất giữ, bảo quản cẩn thận. Còn trống thiêng vẫn đủ bộ 6 cái được treo tít trên cao trong nhà Rông của làng, đến dịp Lễ Bắn mới bầu ra người trèo lên lấy xuống cúng Giàng. Dàn trống thiêng Hơgrâr của làng Kon Brai có từ năm 1985, được làm thủ công qua bàn tay cường tráng của những thanh niên trong làng. 1 bộ trống thiêng có từ 6 đến 9 cái, được đánh dấu là Trống Cha, trống Mẹ có kích thước to hơn rồi lần lượt đến các trống Con. Già A Plong cũng cho biết, lúc trước làng còn đủ bộ chiêng thiêng 3 cái thì âm thanh của trống thiêng và chiêng thiêng hòa quyện vào với nhau trong Lễ Bắn rất uy nghiêm, từ khi chiêng thiêng mất dần, tiếng trống nghe có vẻ trơ trọi và lạc lõng lễ hội vì thế cũng nhạt dần. 

Làng Kon Rôn may mắn hơn là còn 2 chiếc chiêng thiêng là chiêng Cha và Chiêng Mẹ, chiếc chiêng Con bị hư và được chôn theo chủ của nó rất lâu rồi. Vì là chiêng thiêng nên dân làng phải bầu ra người uy tín trong làng để gìn giữ từng chiếc một, hai chiếc chiêng được lưu giữ hai nơi để tránh việc mất cắp. Còn dàn trống Hơgrâr rất may là vẫn còn đủ bộ 6 cái vì thế mà Lễ Bắn của làng Kon Rôn vẫn lưu giữ được cả phần lễ và phần hội từ xưa cho đến nay. 

Chiêng thiêng và trống thiêng được dân làng cất giữ như báu vật vì nó là hai vật thiêng không thể thay thế trong Lễ Bắn, một lễ hội đặc biệt của nhánh Tơ-đra tộc người Xê Đăng tại Kon Tum. Chiêng thiêng được cất giữ ở những nơi bí mật, không cho ai thấy, chỉ có những người được làng bầu chọn mới được phép cất giữ chiêng thiêng. Người Xê Đăng quan niệm “chiêng mất người chết theo” nên những người được giao trọng trách giữ chiêng thiêng đa số là các già làng hay những người có uy tín trong làng mới nằm trong danh sách bầu chọn giữ chiêng. Tránh việc thất lạc hay mất cắp chiêng quý, người được giao giữ chiêng thiêng phải tìm nơi kín đáo cất giữ nên chỉ có vào dịp Lễ Bắn cả làng mới được gặp lại chiêng thiêng. 
 

Các chàng trai, cô gái dân tộc Brâu biểu diễn cồng chiêng, múa xoang trong Lễ hội mừng nhà rông mới ở thôn Đăk Mế, xã Bờ Y (Ngọc Hồi, Kon Tum). Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN
 Các chàng trai, cô gái dân tộc Brâu biểu diễn cồng chiêng, múa xoang trong Lễ hội mừng nhà rông mới ở thôn Đăk Mế, xã Bờ Y (Ngọc Hồi, Kon Tum). Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Vì là báu vật thiêng nên khi bầu ra người cất giữ hoặc chọn ra người lấy chiêng đều phải tiến hành cúng Giàng, xin ý kiến Giàng mới được lấy chiêng đem về nhà rông hành lễ. Thủ tục cúng Giàng xin rước chiêng thiêng cũng đặc biệt như việc giấu kỹ chiếc chiêng vậy. Người Xê Đăng có một loại cây thuốc bí truyền, đến khi cúng chọn ra người rước chiêng về nhà rông thì già làng chọn một nhánh củ thuốc chẻ làm đôi, đánh dấu hai mặt, khi cúng khấn Giàng cho rước chiêng, già làng tung hai mẫu thuốc đó lên trời rồi cho rơi tự do xuống đất, khi nào hai mặt thuốc rơi xuống 3 lần giống nhau thì mới được tiến hành rước chiêng từ nhà người cất giữ về nhà rông làm lễ. 

Nghi lễ thuốc xong, dân làng giết gà cúng Giàng, rước chiêng thiêng về treo trong nhà rông cùng dàn trống thiêng Hơgrâr. Lúc già làng tiến hành các nghi lễ trong nhà Rông, những người được bầu chọn mới được đánh những tiếng chiêng, tiếng trống thiêng đầu tiên rồi lần lượt bà con dân làng xếp hàng, mỗi người đi ngang qua đều cố gắng sờ vào trống thiêng và chiêng thiêng để nhận sự may mắn và sức khỏe mà Giàng ban cho. 

Sau lễ hội, dân làng lại chọn ra người cất giữ chiêng thiêng và cúng Giàng để mong chiêng không bị mất cắp, không bị hư hỏng… Anh U Rớp, cán bộ văn hóa xã Ngọc Réo cho biết: “Ngày nay, để gìn giữ văn hóa truyền thống của bà con dân làng Xê Đăng và việc bảo tồn các vật có giá trị như cồng chiêng quý, trống thiêng là cả một sự đoàn kết cố gắng của chính quyền cũng như bà con buôn làng. Người ngoài nghe tin chiêng quý làm bằng đồng đen nên truy lùng giữ lắm, dân làng bị mất chiêng thiêng hết rồi, cả xã chỉ còn 4 cái nữa nên cất kỹ lắm. Lễ Bắn nếu mất chiêng thiêng thì trống thiêng không biết sử dụng như thế nào để hòa nhịp. Trống, chiêng là linh hồn của lễ hội mà lễ hội là cuộc sống tinh thần của người Xê Đăng, chúng tôi đang cố gắng gìn giữ và bảo tồn cả hai thứ đó.” 

Không thể tìm lại những chiếc chiêng thiêng của ngày xưa nữa nên trống thiêng Hơgrâr đành phải vang âm một cách đơn điệu trong Lễ Bắn. Cũng theo anh U Rớp thì chỉ còn một số ít những người già mới biết kỹ thuật làm trống thiêng Hơgrâr, mà tay họ nay không còn khỏe để căng mặt trống bằng da bò, không thể kiếm được cây gỗ to để làm thân trống nên việc làm lại những chiếc trống thiêng là điều bất khả thi. Muốn giữ hồn lễ hội thì chỉ còn cách là bảo quản và giữ gìn những bộ trống thiêng Hơgrâr một cách cẩn thận, còn chiêng thiêng thì phải cất giấu kỹ trong bí mật của làng./. 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm