Trồng rừng theo hướng thâm canh - giải pháp xóa nghèo ở Hòa Bình

Trồng rừng theo hướng thâm canh - giải pháp xóa nghèo ở Hòa Bình
Chăm sóc diện tích cây giống phục vụ kế hoạch trồng rừng. Ảnh: Quang Quyết - TTXVN
 Chăm sóc diện tích cây giống phục vụ kế hoạch trồng rừng.
Ảnh: Quang Quyết - TTXVN

Ông Bùi Văn Long, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình cho biết: 5 năm qua, công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh được tăng cường và đạt được nhiều kết quả tích cực. Trung bình hằng năm toàn tỉnh trồng mới được 8.600 ha rừng, nâng độ che phủ rừng từ 46% năm 2011 lên 48,96% năm 2015 (vượt 2,96% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra). 

Có được kết quả trên là do tỉnh Hòa Bình quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ và phát triển rừng. Từ việc cụ thể hóa Quyết định số 57 ngày 9/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ, về việc phê duyệt Kế hoạch Bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 bằng các chương trình, kế hoạch; thành lập Ban Chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng và thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2011 - 2020. Tại 11 huyện, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cấp huyện. Đồng thời cụ thể hóa văn bản của Trung ương để chỉ đạo công tác bảo vệ phát triển rừng đảm bảo kế hoạch đã đề ra. 
 
Trồng rừng trở thành hướng phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo ở nhiều địa phương trong tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Quang Quyết - TTXVN
Trồng rừng trở thành hướng phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo ở nhiều địa phương trong tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Quang Quyết - TTXVN

Thực hiện Chương trình bảo vệ và phát triển rừng, tỉnh quan tâm hỗ trợ, đầu tư kịp thời về vốn cho các dự án. Năm 2015, toàn tỉnh trồng 8.420/8.000 ha, đạt 105% kế hoạch. Trong đó, các dự án bảo vệ, phát triển rừng cơ sở trồng 2.445,9 ha, gồm 572,4 ha rừng phòng hộ, 1.873,5 ha rừng sản xuất; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hòa Bình trồng 700/350 ha; Ban Quản lý xây dựng cơ bản huyện Đà Bắc trồng 335 ha; các dự án khác trồng 4.939 ha. Tỉnh tổ chức tốt công tác bảo vệ rừng với 89.000 ha, trong đó vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ đầu tư bảo vệ rừng tự nhiên 19.935 ha; vốn tự có của chủ rừng và các chương trình, dự án bảo vệ 69.000 ha. Các chủ rừng tự khoanh nuôi rừng tự nhiên 2.500 ha. 

Hiện trên địa bàn tỉnh, trồng rừng đang dần chuyển theo hướng thâm canh. Cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, không có hiện tượng sâu bệnh hại. Ông Bùi Văn Dùm, Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi chia sẻ: Trồng rừng đã trở thành hướng phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo ở nhiều địa phương; bình quân mỗi hecta rừng keo lai đến chu kỳ khai thác cho thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng. Do vậy, người dân và các chủ rừng có ý thức giữ rừng. Các khu rừng được bảo vệ tốt, không có hiện tượng chặt phá, đốt rừng làm nương rẫy. 

Thực hiện phát triển rừng bền vững, Chi cục Phát triển Lâm nghiệp tỉnh đã hoàn thiện phương án trồng rừng thay thế diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để triển khai trong năm 2016 - 2017. Ngành đang rà soát rừng phòng hộ ít xung yếu xây dựng phương án chuyển đổi sang rừng sản xuất góp phần khai thác tiềm năng đất rừng trong xóa đói, giảm nghèo. Tổ chức lập các đề án, dự án thực hiện chính sách chi trả dịch vụ trồng rừng; triển khai thực hiện các hạng mục dự án giống cây lâm nghiệp trên địa bàn. 

Chi cục đang tham mưu triển khai kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao năm 2016 trồng 8.290 ha; khoanh nuôi bảo vệ 35.000 ha; khoanh nuôi tái sinh 1.320 ha; chăm sóc rừng phòng hộ, đặc dụng 222 ha, chăm sóc rừng sản xuất 8.860 ra, trồng 70 vạn cây phân tán, thực hiện phát triển rừng bền vững.

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được tổ chức tốt từ quản lý, vận hành hệ thống chi trả từ tỉnh tới huyện, xã; nguồn kinh phí đã được giải ngân theo kế hoạch hàng năm tới các chủ rừng, hộ nhận khoán bảo vệ rừng. Việc chi trả dịch vụ môi trường rừng đã và đang tạo sự chuyển biến mạnh mẽ đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng gắn với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương gắn bó với rừng. 

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tác động mạnh mẽ, tích cực tới đời sống nhân dân, đặc biệt là công tác bảo vệ và phát triển rừng. Số vụ phá rừng, cháy rừng và diện tích rừng bị thiệt hại giảm rõ rệt, các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đã giảm đáng kể./. 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm