Trống nêm - nhạc cụ độc đáo của người Dao

Trống nêm - nhạc cụ độc đáo của người Dao
Trống nêm - một loại nhạc cụ độc đáo của người Dao
Trống nêm - một loại nhạc cụ độc đáo của người Dao

So với các loại trống khác của người Kinh, Tày, Nùng, trống của người Dao có kích thước nhỏ hơn, chiều cao của trống trung bình từ 15-20 cm. Tang trống được làm bằng những miếng gỗ nhỏ hình chữ nhật đan chéo nhau bởi các sợi dây mây níu lại tạo thành một dải liên kết ôm lấy mặt trống. Mặt trống hình tròn có đường kính từ 30-40 cm được làm bằng da trâu, bò, dê...
Khi bưng mặt trống, phần còn thừa của da thú được níu về phía sau móc vào các con níu bằng gỗ xoắn nhiều vòng để níu làm cho mặt trống có độ căng theo ý muốn. Phần lông thú vừa dày, vừa mịn được giữ nguyên và bưng quay ra phía ngoài, còn mặt trong chỉ cần thuộc qua là được.

Do cấu tạo và chất liệu của tang trống và mặt trống có sự khác biệt nên khi đánh, trống tạo ra âm sắc rất riêng. Tiếng trống thoát ra trầm ấm, vang xa, lớp lông thú trên mặt trống đã kìm giữ và điều hòa cho âm thanh phát ra khi trầm, khi bổng tạo nên những âm “bùng… bục”. Đồng bào Dao quan niệm rằng, tiếng trống chính là “cầu nối” giữa con người với thế giới tâm linh. Vì vậy, trong các lễ tết, hội, đám cưới, đám tang… bà con đều sử dụng trống nêm cùng với các loại nhạc cụ khác để tạo thành một dàn nhạc gõ, làm cho không khí thêm trang trọng, linh thiêng và báo hiệu cuộc sống tươi mới bắt đầu.

Đặc biệt, việc chế tác trống nêm là nghề gia truyền được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong các gia đình, dòng họ của người Dao. Do đó, ngoài những bí quyết “cha truyền con nối”, người làm trống đòi hỏi phải có đôi tay khéo léo và đôi tai tinh tế để nghe, chỉnh âm thanh của trống. Theo phong tục truyền thống, nghệ nhân chế tác trống chỉ hoàn thiện trống vào hai ngày đặc biệt trong năm, đây là những thời điểm được cho là những ngày “kỵ” nên có thể cho trống tốt và “linh”. Cũng vì vậy, những gia đình không làm được trống cũng sẽ xem ngày tháng tốt mới chọn mua trống cho gia đình.

Ông Hoàng Thung Trình ở thôn Đoàn Kết, xã Đắk Wil, huyện Cư Jút cho biết: “Đối với người Dao, trống nêm có ý nghĩa hết sức quan trọng nên trong tất cả các cuộc vui, buồn đều phải có. Để có được những chiếc trống phục vụ sinh hoạt, chúng tôi đặt mua hoặc nhờ bà con ở quê nhà gửi vào. Dù sống trên quê hương mới nhưng mỗi khi nghe tiếng trống nêm, chúng tôi như vơi đi nỗi nhớ quê nhà và cùng nhau cố gắng sống tốt hơn".
Theo baodaknong.org.vn

Có thể bạn quan tâm