Trồng khoai môn sáp cho lợi nhuận 150 triệu đồng/ha ở Trà Vinh

Trồng khoai môn sáp cho lợi nhuận 150 triệu đồng/ha ở Trà Vinh

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng hiệu quả sản xuất, nhiều nông dân ở Trà Vinh đã trồng luân canh 1 vụ lúa 2 vụ màu cho thu nhập tăng nhiều lần so với độc canh cây lúa. Đơn cử như mô hình luân canh lúa- ngô- khoai môn sáp của nông dân xã Đại An, huyện Trà Cú. Bình quân mỗi vụ trồng khoai môn sáp, nông dân đạt lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng/ha, tăng rất nhiều lần so với vụ lúa trên cùng diện tích.

Anh Lý Thanh Trà, Trưởng Ban Nhân dân ấp Giồng Lớn A, xã Đại An, huyện Trà Cú canh tác theo mô hình lúa- ngô- khoai môn sáp trên diện tích 3 công (1 công= 1.000 m2) gần 20 năm nay. Anh Trà cho biết, khi kết thúc vụ lúa Hè Thu, vụ Đông Xuân anh bắt đầu xuống giống khoai môn sáp. Sau hơn 4 tháng trồng, khoai môn cho thu hoạch, với năng suất khoảng 2 tấn/công. Với giá bán dao động từ 20.000-26.000 đồng/kg, bình quân mỗi công khoai môn sáp, gia đình anh thu lãi từ 15-20 triệu đồng.

Theo ông Thạch Long, Bí thư Chi bộ ấp Giồng Lớn A, xã Đại An, huyện Trà Cú, mô hình lúa- ngô- khoai môn sáp đã giúp rất nhiều hộ Khmer ở ấp Giồng Lớn A cải thiện thu nhập, thoát nghèo bền vững. Đến nay, ấp chỉ còn 8 hộ nghèo, giảm gần 200 hộ nghèo so với năm 2012, thu nhập bình quân đầu người của ấp hiện đạt 48 triệu đồng/người/năm, tăng 30 triệu đồng/người/năm so với 5 năm trước. Thấy được hiệu quả kinh tế cao nên nhiều nông dân trong ấp chuyển đổi sản xuất và mở rộng diện tích trồng khoai môn sáp lên hơn 40 ha.

Huyện Trà Cú là địa phương bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nặng nhất tỉnh, mặn xâm nhập, thiếu nước tưới vào mùa khô…Vì vậy, địa phương đang vận động nông dân cơ cấu lại mùa vụ, giảm diện tích trồng lúa, chuyển sang các loại cây màu khác phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương.

Ông Huỳnh Văn Thảo, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú cho biết, cây khoai môn sáp là một trong những cây trồng ngành nông nghiệp huyện khuyến khích nông dân chuyển đổi, bởi đầu ra những năm gần đây khá ổn định, đặc biệt là rất thích nghi với với điều kiện thiếu nước tưới của địa phương; cho hiệu quả kinh tế tăng rất nhiều lần so với trồng lúa trên cùng diện tích.

Để người dân mạnh dạn chuyển đổi, cùng với việc hướng dẫn nông dân về khoa học kỹ thuật trên những cây trồng, vật nuôi mới, huyện Trà Cú đang tích cực tìm kiếm các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp để liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giúp đầu ra nông sản ổn định.

Thanh Hòa

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm