Trồng dưa lưới thu lãi tiền tỷ ở Hưng Yên

Với mức thu từ 1,5 đến 2 tỷ đồng/ha mỗi năm, mô hình trồng dưa lưới và dưa vàng thơm trong nhà màng ở Hưng Yên đang mở ra triển vọng lớn trong sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là điểm sáng đang thu hút nông dân nâng cao trình độ sản xuất nông nghiệp theo công nghệ hiện đại.

Công nghệ thâm canh cao

Mô hình do Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên triển khai theo dự án “Ứng dụng công nghệ cao để trồng dưa vàng, dưa lưới tỉnh Hưng Yên phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng giai đoạn 2017 - 2020”. Địa điểm thực hiện tại các xã Tiên Tiến, Tống Trân (Phù Cừ) và Thiện Phiến (Tiên Lữ). Các hộ tham gia dự án được Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên hỗ trợ 100% giống dưa, 30% kinh phí làm nhà màng, giá thể cùng hệ thống tưới, thuốc bảo vệ thực vật.

Trong quá trình thực hiện, các cán bộ chuyên môn thường xuyên theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn các chủ hộ thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật các khâu: chuẩn bị phối trộn giá thể, ngâm ủ hạt giống, tra hạt đã nảy mầm vào khay, chuyển cây con sang bầu, trồng từ bầu ra bịch, pha chế dinh dưỡng, bấm ngọn, thụ phấn, phòng trừ sâu bệnh, kịp thời xử lý các tình huống xảy ra.

Theo ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên, trồng dưa lưới và dưa vàng thơm trong nhà màng áp dụng công nghệ theo tiêu chuẩn VIetGAP với hệ thống tưới tự động. Yếu tố quyết định thành công của mô hình là kiểm soát chặt chẽ hạt giống từ đầu vào, áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt để cung cấp các nguồn chất dinh dưỡng cho cây phát triển. Qua đó, giúp cây sinh trưởng tốt, năng suất và hiệu quả cao. Cùng đó là việc kiểm tra nghiêm ngặt nhằm hạn chế các tác hại của sâu bệnh, giảm thiểu việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Dưa lưới, dưa vàng thơm được trồng bằng giá thể đựng trong túi, hệ thống tưới nước có dinh dưỡng, được cài đặt tự động theo nhu cầu của từng giai đoạn sinh trưởng của cây. Do thực hiện đúng quy trình, dưa lưới được trồng trong nhà màng sinh trưởng phát triển tốt, năng suất cao. Đặc biệt là hạn chế sự tấn công của sâu bệnh, không phải sử dụng thuốc hoá chất bảo vệ thực vật, tạo ra sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng quả thơm ngon, mẫu mã đẹp, hấp dẫn người tiêu dùng.

Chị Đoàn Thị Gấm, xã Thiện Phiến cho biết, nhà màng lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tự động đến từng gốc cây. Nước chứa chất dinh dưỡng được tưới 8 - 10 lần mỗi ngày, mỗi lần 100 - 200 ml, đều chính xác cho mỗi cây nên dưa phát triển rất đồng đều. Trồng dưa trong nhà màng rất ít bị sâu bệnh, năng suất cao và ổn định. Đặc biệt, có thể trồng các vụ nối nhau liên tiếp mà không cần phải luân canh để cải tạo đất.

Thu lãi lớn

Cũng theo chị Đoàn Thị Gấm, phương pháp trồng dưa trong nhà màng cho năng suất cao gấp 2 lần so với canh tác theo cách bình thường ngoài đồng ruộng, đạt bình quân 50 tấn/ha/vụ. Với giá bán dưa lưới tại vườn dao động từ 40.000 - 60.000 đồng/kg, mỗi vụ đạt khoảng 50 tấn/ha, thu lãi trung bình hơn 500 triệu đồng/ha/vụ. Mỗi năm có thể trồng 3 vụ nên mức lãi từ 1,5 đến 2 tỷ đồng. Mặt khác trồng dưa lưới trong nhà màng và trên giá thể còn giúp cách ly nguồn bệnh từ đất và côn trùng từ môi trường bên ngoài, từ đó hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không gây nguy hại cho môi trường.

Tương tự, tại vườn của anh Bùi Văn Phương, ở thôn An Cầu, xã Tống Trân, huyện Phù Cừ chỉ với 0,3 ha nhà màng, nhưng năm nào cũng thu được gần 1 tỷ đồng từ trồng các loại dưa vàng, dưa lưới. Anh Phương cho biết, trồng dưa lưới tuy vốn đầu tư cao, kỹ thuật tương đối khó, nhưng biết áp dụng đúng quy trình kỹ thuật thì hiệu quả rất lớn. Sau khi dự án kết thúc, anh Phương vẫn tiếp tục trồng dưa lưới và mở rộng nâng tổng diện tích nhà lưới, nhà màng lên 5.000 m2, gieo trồng 3 vụ/năm, sản lượng quả ước đạt 60 tấn sản phẩm sạch.

Về thị trường đầu ra, bà Trần Thị Hằng xã Thiện Phiến (Tiên Lữ) cho hay, sản phẩm được Trung tâm Khuyến nông tỉnh kết nối với các doanh nghiệp bao tiêu, mua tại vườn với giá ổn định nên không bảo giờ bị ế đọng. Với các hộ dù không tham gia dự án nhưng nếu trồng dưa lưới vẫn được cán bộ khuyến nông hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật, giới thiệu doanh nghiệp đến thu mua. Dưa lưới, dưa vàng thơm hiện được tiêu thụ mạnh tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn và nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Còn với nông dân các xã Tống Trân, Tiên Tiến, Thiện Phiến cho biết, từ hệ thống nhà lưới với tổng diện tích 8.000 m2 ban đầu, dự án đã có sức lan tỏa sâu rộng, thu hút nông dân. Thâm canh dưa lưới và dưa vàng thơm trong nhà màng đã từng bước làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của bà con về sản xuất nông nghiệp sạch theo công nghệ mới. Trồng dưa lưới đòi hỏi kỹ thuật thâm canh cao, cách làm thận trọng, tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình, nhưng mang lại nguồn thu lớn gấp nhiều lần so với các cây ăn quả khác. Hiện sản phẩm đã kết nối được với chuỗi giá trị nông sản sạch trên toàn quốc.

Ông Nguyễn Văn Tráng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên khẳng định, dự án trồng dưa lưới công nghệ cao đem lại hiệu quả kinh tế cao, sản phẩm an toàn cho người sử dụng, là tiền đề để người dân mở rộng sản xuất thâm canh theo xu hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại. Hiện dưa lưới đang được nhân rộng tại các huyện Khoái Châu, Yên Mỹ, Phù Cừ, Tiên Lữ và nhiều địa phương trong tỉnh.

Tỉnh Hưng Yên cũng khuyến khích nông dân mở rộng diện tích, tạo điều kiện thuận lợi để bà con học hỏi, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất; đồng thời tổ chức các hoạt động xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm đầu ra ổn đinh. Để cây dưa lưới trở thành nông sản hàng hóa phát triển bền vững.

Mai Ngoan

Tin liên quan

Triển vọng từ mô hình trồng dưa lưới nhà màn ở huyện vùng cao Sơn Hà

Sau thành công trong việc đưa hàng loạt sản phẩm bản địa như ớt xiêm rừng, dưa leo, gà kiến, rau dớn, rau ngót rừng...vào bày bán tại 18 siêu thị Big C ở miền Trung và miền Nam, góp phần tạo thương hiệu, chỗ đứng vững chắc trên thị trường, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, ngành chức năng huyện vùng cao Sơn Hà (Quảng Ngãi) đang tiếp tục triển khai trồng thí điểm mô hình dưa lưới nhà màn nhằm tìm ra những giống cây mới, lạ, cho hiệu quả kinh tế cao.


Anh Trương Vũ Hoàng thành công nhờ áp dụng công nghệ cao vào trồng dưa lưới

Ngày càng có nhiều nông dân ở Nghệ An áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính bằng công nghệ Israel của anh Trương Vũ Hoàng ở thôn 2, xã Hội Sơn, Anh Sơn, tỉnh Nghệ An cho năng suất cao chứng minh cho thấy sự thành công trong việc thay đổi cách thức sản xuất thích ứng với khí hậu khắc nghiệt ở miền Trung. 


Bốn sào đất cho thu 300 triệu đồng/năm nhờ trồng dưa lưới

Với quyết tâm hướng sản phẩm rau quả sạch, an toàn cho người tiêu dùng, cuối năm 2016, ông Nguyễn Hữu Thọ ở ấp Phú Thành, xã Thanh Phú, thị xã Bình Long (Bình Phước) đã mạnh dạn đầu tư 1,2 tỷ đồng để xây dựng hệ thống nhà màng khép kín trồng 0,4 ha (4 sào đất) trồng dưa lưới.


Kinh nghiệm trồng dưa lưới

Dưa lưới thích hợp với khí hậu ấm áp, khô ráo, thích hợp trồng từ tháng 2 đến tháng 9. Để dưa lưới phát triển tốt, bà con cần thực hiện các bước sau


Mô hình trồng dưa lưới cho hiệu quả kinh tế cao

Ông Phạm Trung Việt (60 tuổi), ở thôn Nhơn Hòa 2, xã Bình Tân (Bình Sơn, Quảng Ngãi) đã đầu tư 120 triệu đồng để gieo trồng dưa lưới cho hiệu quả kinh tế cao. Sản lượng dưa đạt 1,8 tấn/sào, thu lãi khoảng 7 triệu đồng/sào. Đây là hướng đi mới cho người nông dân Quảng Ngãi phát triển kinh tế.



Đề xuất