Trồng bưởi da xanh chuẩn VietGAP đạt hiệu quả cao

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ, an toàn đang là tiêu chí được nhiều nhà vườn ở Trà Vinh hướng đến nhằm nâng cao giá trị hàng nông sản và có thị trường tiêu thụ bền vững. Mô hình trồng bưởi da xanh theo chuẩn VietGAP của Tổ hợp tác trồng bưởi da xanh ấp Ô Chích A, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành là minh chứng về tính hiệu quả trong sản xuất an toàn của nông dân Trà Vinh.

Vườn bưởi da xanh 3,2 ha của ông Võ Văn Chà, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn đã hàng chục năm. Bởi ông luôn ý thức sản xuất phải đảm bảo sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng nên rất hạn chế sử dụng phân hóa học, ưu tiên dùng phân bón hữu cơ, phân vi sinh cho cây bưởi. Gần đây, được chính quyền địa phương vận động tham gia tổ hợp tác và Dự án thích ứng biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Trà Vinh hỗ trợ quy trình công nhận sản xuất đạt chuẩn VietGap, đầu năm 2019, Tổ hợp tác trồng bưởi da xanh do ông Chà làm tổ trưởng đã được chứng nhận sản xuất đạt chuẩn VietGAP.
Theo ông Chà, sản suất theo chuẩn này cây sinh trưởng rất tốt, tuổi thọ cao hơn nhiều so với ngoài mô hình. Có những cây ông trồng hơn 20 năm vẫn còn xanh tốt, không bị bệnh. Điều phấn khởi hơn, từ khi được công nhận đạt chuẩn VietGAP, đầu ra của quả bưởi địa phương khá thuận lợi, doanh nghiệp tìm đến tận vườn thu mua, kí hợp đồng bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường từ 5.000-10.000 đồng/kg.

Trong buoi da xanh chuan VietGAP dat hieu qua cao hinh anh 1Ông Dương Văn Khá (trái) thành viên Tổ hợp tác chăm sóc vườn bưởi da xanh 0,7 ha của gia đình. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN

Tổ hợp tác trồng bưởi da xanh ấp Ô Chích A, xã Lương Hòa có 43 hộ trồng bưởi trên tổng diện tích hơn 27 ha. Để được công nhận sản xuất đạt chuẩn VietGAP, nhà vườn phải tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất, cách sử dụng và liều lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Theo các thành viên Tổ hợp tác, tham gia mô hình, nông dân được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật. Kết quả cuối vụ, năng suất cao hơn khoảng 30%, chi phí phân bón giảm khoảng 40%. Thêm điều nông dân tâm đắc nhất là sản xuất theo chuẩn này bảo vệ được sức khỏe của bản thân và cộng đồng.
Năm 2019, toàn bộ bưởi của tổ hợp tác được doanh nghiệp kí hợp đồng bao tiêu với giá 39.000 đồng/kg, và năm nay, giá mua lên 40.000 đồng/kg. Bình quân hàng năm, mỗi ha trồng bưởi da xanh đạt chuẩn VietGAP, nông dân đạt lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng. Đầu ra ổn định nên nhiều thành viên tổ hợp tác đã mở rộng thêm diện tích sản xuất theo chuẩn này.
Ông Dương Văn Khá, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, thành viên Tổ hợp tác trồng bưởi da xanh Ô Chích A cho biết, gia đình ông trồng 1,8 ha bưởi bưởi da xanh theo chuẩn VietGAP; trong đó, 0,9 ha đang cho trái, với năng suất khá ổn định 25 tấn/ha. Thấy sản xuất theo chuẩn VietGAP khá hiệu quả nên năm nay, gia đình ông tiếp tục cải tạo vườn tạp, mở rộng diện tích trồng bưởi da xanh khoảng 0,5 ha.

Trong buoi da xanh chuan VietGAP dat hieu qua cao hinh anh 2Trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP giúp người nông dân có thu nhập ổn định. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN

Ông Huỳnh Kim Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, cho biết, toàn xã hiện có trên 278 ha diện tích trồng bưởi da xanh. Bưởi da xanh được địa phương chọn làm sản phẩm chủ lực và đăng kí chỉ dẫn địa lý, đây cũng là sản phẩm OCOP của xã Lương Hòa. Từ thành công của Tổ hợp tác trồng bưởi da xanh Ô Chích A, xã đang vận động nông dân tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác và sản xuất an toàn, hữu cơ để nâng cao giá trị nông sản.
Bưởi da xanh là loại trái cây đặc sản có lợi thế được tỉnh Trà Vinh khuyến khích nhà vườn phát triển trong chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030 sẽ có khoảng 800 ha bưởi da xanh đạt chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP tập trung tại các huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú và thành phố Trà Vinh.

Thanh Hòa

Tin liên quan

Kết nối kinh tế vườn với du lịch sinh thái giúp tăng giá trị cho cây ăn trái

Tỉnh Trà Vinh nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, với hệ thống sông rạch phong phú, đất đai được phù sa bồi đắp màu mỡ quanh năm đã tạo cho địa phương có một nền sản xuất nông nghiệp rất đa dạng. Đặc biệt, tỉnh có nhiều cù lao, cồn nổi ven sông với những vườn cây ăn quả đặc sản chuyên canh rất lợi thế để phát triển du lịch sinh thái sông nước miệt vườn. Đây được xem là giải pháp hiệu quả để nâng cao chuỗi giá trị cây ăn quả đặc sản của tỉnh, nâng cao thu nhập cho người dân.


Chuyển đổi cây trồng thích nghi với thời tiết ở Trà Vinh

Những năm gần đây, tỉnh Trà Vinh chịu sự tác động khá lớn bởi biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng nước mặn xâm nhập nội đồng vào mùa khô gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh này đang khẩn trương xây dựng kế hoạch cơ cấu lại mùa vụ, chuyển đổi cây trồng thích nghi trước tình hình biến đổi khí hậu.


Trà Vinh tập trung nhiều nguồn lực giảm nghèo

Tỉnh Trà Vinh đang huy động các nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Tỉnh ưu tiên đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bãi ngang ven biển, có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.



Đề xuất