Trở ngại trong xây dựng nông thôn mới ở huyện vùng cao biên giới Sìn Hồ

Thu nhập của gia đình bà Sình Thị Cài, dân tộc Mông, ở xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ chủ yếu phụ thuộc từ nấu rượu. Ảnh: Việt Hoàng-TTXVN
Thu nhập của gia đình bà Sình Thị Cài, dân tộc Mông, ở xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ chủ yếu phụ thuộc từ nấu rượu. Ảnh: Việt Hoàng-TTXVN

Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện vùng cao biên giới Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu đã đạt được nhiều kết quả khích lệ, bộ mặt nông thôn có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn về thực hiện các tiêu chí như thu nhập, hộ nghèo, môi trường, nhà ở dân cư.

Trở ngại trong xây dựng nông thôn mới ở huyện vùng cao biên giới Sìn Hồ ảnh 1Một góc nhỏ tại trung tâm xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ cho thấy dân cư sinh sống không tập trung. Ảnh: Việt Hoàng-TTXVN

Còn nhiều trở ngại
Sìn Hồ là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lai Châu với 14 dân tộc sinh sống; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chiếm khoảng 95%, chủ yếu là dân tộc Thái, Mông, Dao. Địa hình chia cắt, thời tiết khắc nghiệt cùng với tỷ lệ hộ nghèo cao, nhận thức của người dân hạn chế, khiến việc hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới ở các địa phương huyện Sìn Hồ gặp nhiều trở ngại, vướng mắc.

Trở ngại trong xây dựng nông thôn mới ở huyện vùng cao biên giới Sìn Hồ ảnh 2Người dân xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ rảnh rỗi ở nhà thêu váy, áo. Ảnh: Việt Hoàng-TTXVN

Những ngày cuối năm, tới xã Sà Dề Phìn - xã vùng cao khó khăn của huyện Sìn Hồ, dọc trên tuyến đường trung tâm xã dễ thấy dân cư phân bố không đồng đều. Nhiều cây trồng cằn cỗi, đời sống của người dân nơi đây còn thiếu thốn, vất vả, với những ngôi nhà chưa được xây dựng kiên cố, khang trang.

Phó Chủ tịch UBND xã Sà Dề Phìn Chang A Thứ cho biết, xã có 4 bản, với 446 hộ gia đình, với 2.192 nhân khẩu thuộc 4 dân tộc sinh sống; trong đó, đồng bào dân tộc Mông chiếm đa số gần 81%. Mặc dù được sự quan tâm của Đảng ủy, chính quyền huyện Sìn Hồ và nguồn lực của tỉnh Lai Châu, Nhà nước, nhưng do địa bàn xã có khí hậu phức tạp ảnh hưởng lớn tới cây trồng vật nuôi của nhân dân.

Mặt khác, trình độ dân trí người dân còn hạn chế, việc áp dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ đưa vào sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi còn chậm. Đặc biệt, năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID- 19, nhiều hộ dân không đi làm xa được, không có thu nhập nên đời sống của nhân dân trên địa bàn gặp muôn vàn khó khăn. Từ đó, ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế, nhất là việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới địa phương.

Hiện khó khăn lớn nhất của xã Sà Dề Phìn là tiêu chí thu nhập. Theo quy định của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2020 đạt từ 36 triệu đồng/người/năm. Thực tế, dù khoa học kỹ thuật đã được áp dụng vào các mô hình mới sản xuất, chăn nuôi nhưng hiệu quả kinh tế vẫn không cao, mức thu nhập của người dân trên địa bàn xã mới chỉ đạt 21 triệu đồng/người/năm.

Trở ngại trong xây dựng nông thôn mới ở huyện vùng cao biên giới Sìn Hồ ảnh 3 Thu nhập của gia đình bà Sình Thị Cài, dân tộc Mông, ở xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ chủ yếu phụ thuộc từ nấu rượu. Ảnh: Việt Hoàng-TTXVN

Đơn cử như gia đình bà Sình Thị Cài, dân tộc Mông, ở bản Sà Dề Phìn năm nay do dịch bệnh chồng và con trai không đi làm xa được. Cả gia đình 3 người chỉ quanh quẩn trên nương trồng ngô, lúa, không có thu nhập mà chỉ đủ ăn cho cả năm.

Bà Sình Thị Cài bộc bạch, kinh tế gia đình năm nay khó khăn lắm. Những năm trước chồng và con trai đi làm thuê còn có tiền dư giả để trang trải cuộc sống và sắm Tết. Năm nay, sắp đến Tết rồi mà chưa biết lấy gì để mua sắm. Giờ tiền ăn sinh hoạt hàng ngày của gia đình đều phụ thuộc vào việc nấu rượu bán cho người dân trong bản. Bà cũng tận dụng nuôi vài con gà, ngan để dành đến Tết còn có cái mà ăn.

Một tiêu chí khó có thể thực hiện trong xây dựng nông thôn mới là tiêu chí hộ nghèo. Tính theo chuẩn nghèo đa chiều thuộc Nghị định 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 27/01/2021, về quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 thì xã Sà Dề Phìn có 358 hộ nghèo, cận nghèo, chiếm tỷ lệ 80,26%. Chỉ tiêu giảm nghèo ở đây đang là vấn đề khiến cấp ủy, chính quyền địa phương trăn trở.

Tiêu chí môi trường cũng là một tiêu chí khó đạt, bởi xã Sà Dề Phìn chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, đời sống của người dân có nhiều nếp sống lạc hậu. Hầu hết các hộ gia đình còn tình trạng vứt thải sinh hoạt bừa bãi, chưa có thùng rác tự xử lý, người dân còn chăn nuôi lợn, gia súc thả rông, không có chuồng trại. Ngoài ra, xã còn gặp khó khăn trong xây dựng vị trí khu xử lý rác thải tại trung tâm.

Cần nguồn vốn hỗ trợ

Xác định những khó khăn, Đảng ủy, chính quyền xã Sà Dề Phìn đã và đang tập trung thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung nguồn lực thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; trong đó, chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu, chè, cây ăn quả ôn đới và chăn nuôi gia súc.

Trở ngại trong xây dựng nông thôn mới ở huyện vùng cao biên giới Sìn Hồ ảnh 4Thời gian này người dân xã Sà Dề Phìn rảnh rỗi ở nhà bổ củi để chuẩn bị cho những ngày giá rét. Ảnh: Việt Hoàng-TTXVN

Cùng với đó, xã tiếp tục tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về giảm nghèo, có ý thức tự lực, tự cường trong phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đến nay, xã Sà Dề Phìn đạt 16/19 tiêu chí nông thôn mới. Hiện còn 3 tiêu chí chưa đạt gồm: Tiêu chí thu nhập, hộ nghèo, môi trường và an toàn thực phẩm. Theo nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 xã Sà Dề Phìn phấn đấu đến năm 2021 xã đạt chuẩn nông thôn mới; bản Sà Dề Phìn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu gắn với du lịch sinh thái.

Tuy nhiên, mục tiêu này không đạt do tỷ lệ hộ nghèo còn cao, mức thu nhập nhân dân thấp, chưa có sự đầu tư đồng bộ và ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Để tập trung thực hiện 3 tiêu chí còn lại, xã Sà Dề Phìn mong muốn được cấp trên tiếp tục phân bổ, huy động nguồn vốn cho năm tới để xã phấn đấu hết năm 2022 sẽ đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo báo cáo của huyện Sìn Hồ, trong tổng số 21 xã của huyện thực hiện xây dựng nông thôn mới, Sìn Hồ có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí và 14 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí. Thu nhập đầu người đạt 32,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3 - 5%/năm. Xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới đang là bài toán khó khăn của huyện Sìn Hồ, bởi xuất phát điểm còn thấp.

Ông Nguyễn Ngọc Chỉnh, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sìn Hồ cho biết, là huyện vùng cao biên giới và nghèo của tỉnh Lai Châu, việc xây dựng nông thôn mới của huyện gặp nhiều vướng mắc. Nhất là các tiêu chí thu nhập, nhà ở dân cư, lao động việc làm, môi trường, hộ nghèo.

Đặc biệt, năm 2021 các xã trên địa bàn huyện không được cấp nguồn vốn từ chương trình xây dựng nông thôn mới, cùng với ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhiều lao động trở về địa phương do mất việc làm. Không có thu nhập đời sống của nhân dân lại càng khó khăn hơn.

Trở ngại trong xây dựng nông thôn mới ở huyện vùng cao biên giới Sìn Hồ ảnh 5Một giờ học của học sinh Trường Tiểu học xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ. Ảnh: Việt Hoàng-TTXVN

Nguyên nhân khiến các xã của huyện Sìn Hồ khó khăn trong xây dựng nông thôn mới là do diện tích tự nhiên của các xã rộng lớn, địa hình chủ yếu là đồi núi, độ dốc cao, dân cư phân bố rải rác. Điều này khiến cho việc đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, gặp nhiều trở ngại.

Cùng đó, các xã vùng cao khí hậu diễn biến phức tạp và cách xa các trung tâm thương mại nên việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn, thu nhập của người dân hạn chế, khả năng đóng góp của người dân trong xây dựng nông thôn mới chưa nhiều.

Nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc với những tiêu chí khó đạt, thời gian tới huyện Sìn Hồ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân; lồng ghép chương trình xây dựng nông mới với các chương trình, dự án khác như chương trình 135, 130, chương trình giảm nghèo để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế.

Trở ngại trong xây dựng nông thôn mới ở huyện vùng cao biên giới Sìn Hồ ảnh 6Do dịch bệnh không đi làm ăn xa được nên anh Sùng Mý Sinh, xã Sà Dề Phìn ở nhà chăn nuôi lợn, nhưng thu nhập cũng không nhiều. Ảnh: Việt Hoàng-TTXVN

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đoàn thể tổ chức các buổi tình nguyện thu gom rác thải; tuyên truyền, vận động người dân hạn chế vứt rác thải bừa bãi, chăn thả gia súc trong khu dân cư, khuyến khích mỗi hộ gia đình xây dựng một hố xử lý rác thải.

Đặc biệt, huyện Sìn Hồ mong muốn Nhà nước tiếp tục bổ sung nguồn vốn xây dựng nông thôn mới cho các xã, nhất là hai xã Pa Khóa và Sà Dề Phìn để phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Việt Hoàng – Đinh Thùy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm