Trợ giúp các đối tượng chính sách đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Định tặng quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở huyện Vân Canh (Bình Định). Ảnh: Nguyên Linh - TTXVN
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Định tặng quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở huyện Vân Canh (Bình Định). Ảnh: Nguyên Linh - TTXVN

Theo thông tin từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Bộ này đã đưa ra kế hoạch hành động với các trọng tâm chỉ đạo, điều hành và 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Trợ giúp các đối tượng chính sách đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 ảnh 1Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Định tặng quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở huyện Vân Canh (Bình Định). Ảnh: Nguyên Linh - TTXVN

Trong những giải pháp cụ thể, đáng chú ý là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng phương án và chuẩn bị các nguồn lực dự phòng hỗ trợ để bảo vệ cuộc sống của người lao động trong trường hợp xảy ra rủi ro, tránh khủng hoảng tâm lý, không đủ điều kiện sống trong thời gian dịch bệnh, tránh tạo ra các làn sóng di chuyển tự phát.

Đặc biệt, Bộ xác định tổ chức chăm lo, trợ giúp các đối tượng chính sách được đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đầy đủ, với tinh thần không để người dân nào không có Tết, không để ai bị bỏ lại phía sau, hỗ trợ người dân vượt lên những khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Cùng với đó, Bộ thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo và triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; tiếp tục hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách giảm nghèo; tổ chức triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, ưu tiên hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tập trung đầu tư và kết nối địa bàn nghèo, vùng lõi nghèo; đáp ứng nhu cầu của người dân về sử dụng các dịch vụ xã hội cơ bản phù hợp (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin và việc làm).

Đặc biệt, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xác định thực hiện hiệu quả các chính sách trợ giúp thường xuyên và đột xuất đối với các đối tượng yếu thế. Triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ và các chương trình, đề án, chính sách trợ giúp thường xuyên và đột xuất đối với các đối tượng yếu thế. Đẩy mạnh thực hiện chi trả trợ cấp thông qua tổ chức dịch vụ bưu chính công ích. Thực hiện hỗ trợ khẩn cấp về lương thực, nhà ở và nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh; trợ giúp kịp thời các đối tượng bảo trợ xã hội trong dịp Lễ, Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm 2022.

Cũng theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, vận hành hiệu quả thị trường lao động phù hợp với tiến trình phục hồi và phát triển nền kinh tế là một trong những giải pháp căn cơ được Bộ xác định để triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.

Theo đó, Bộ sẽ tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030, Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động nhằm ổn định và phát triển thị trường lao động, hỗ trợ giải quyết việc làm, thu hút lao động quay trở lại làm việc; khôi phục nhanh, duy trì và đảm bảo nguồn cung lao động cho phục hồi sản xuất của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội bền vững; cơ cấu lại lực lượng lao động phù hợp với Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế.

Đặc biệt, Bộ chú trọng phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, trọng tâm là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tăng khả năng kết nối cung-cầu lao động; tăng cường giao dịch việc làm trực tuyến; thúc đẩy chuyển dịch lao động sang làm việc tại khu vực chính thức thông qua hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho lao động, chú trọng khu vực nông thôn, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Thực hiện các giải pháp, chính sách giải quyết việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động vay vốn giải quyết việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, thời gian qua, công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài bị ngừng trệ do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Sắp tới, cơ quan quản lý lao động ngoài nước sẽ chuẩn bị nguồn đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài khi các nước mở cửa trở lại. Chú trọng quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lao động đã hết hợp đồng về nước.

Để phục hồi thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng xác định cần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề thích ứng với điều kiện sản xuất mới./.

Hạnh Quỳnh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm