Triển vọng cây mắc ca ở huyện vùng cao Quảng Ngãi

Ngày 19/6, ông Đinh Quang Ven, quyền Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sau hơn 6 năm trồng thử nghiệm (từ năm 2014), cây mắc ca phù hợp với đất đai và khí hậu của huyện. Tại 2 xã Sơn Long và Sơn Bua, những diện tích cây trồng mắc ca đã sinh trưởng và phát triển tốt.

Trien vong cay mac ca o huyen vung cao Quang Ngai hinh anh 1Mô hình cây mắc ca tại xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh:kinhtenongthon.vn

Theo tính toán, so với các loại cây trồng khác, mắc ca cho giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều. Trung bình mỗi kg mắc ca tươi tại vườn có giá khoảng 100.000 đồng. Như vậy, mỗi ha mắc ca mang lại giá trị trên 70 triệu đồng/năm. Nhiều năm sau đó, giá trị càng cao hơn.

Theo trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Sơn Tây, một cây mắc ca trồng trong phạm vi diện tích khoảng 45m2, giá khoảng 100.000 đồng/cây. Cũng với diện tích này, nếu trồng keo cần đến gần 135 cây keo con, tức cần đến gần 300.000 đồng cây giống. Đầu tư thấp nhưng mắc ca thân là cây gỗ có tuổi thọ đến hơn 100 năm, thời gian thu hoạch ít nhất 50 năm.

Bên cạnh đó, khoảng 5 năm đầu tiên xây dựng cơ bản cho mắc ca, người dân còn trồng xen canh được cây trồng ngắn ngày. Điển hình như cách làm của gia đình ông Nguyễn Lên, ở xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây. Gia đình ông Lên có vườn mắc ca 6,5 ha gần 3 năm tuổi. Trong thời gian chờ mắc ca cho quả, ông đã thu hơn 200 triệu đồng cây sắn (mì), cây lạc (đậu phộng) và hiện đang triển khai trồng cây nghệ. Giá trị kinh tế cao hơn, trong khi công, đầu tư chăm sóc, vận chuyển thuận lợi hơn so với cây keo, dễ bảo quản.

Sau hơn 6 năm trồng thử nghiệm, cây mắc ca ở Sơn Tây cho ra hai đợt hoa trong năm, 80 - 95% cây ra hoa đều đậu quả, có 2 dòng thích nghi nhất đó là OC và 816, cho hoa nhiều và tỷ lệ đậu quả khá cao. Hiện nay, ngoài 6 ha chính quyền đang trồng thí điểm thì một người dân trong huyện này còn bỏ tiền túi trồng 6,5 ha, thời gian trồng đã 3 năm, cây đã cho quả bói.

Tại một số điểm trồng thí điểm, vào năm thứ 3, cây đã cho quả bói, năm thứ 4 tiếp tục cho quả đều và năm thứ 5 chính thức thu hoạch đầu tiên, cho quả hơn 3 kg/cây. Vào các năm tiếp theo, cây này sẽ cho quả nhiều hơn và có khả năng đạt 25 - 30 kg/cây/năm.

Theo các chuyên gia trồng trọt của hiệp hội mắc ca Việt Nam, ngoài việc có đất, người trồng phải quan tâm đến giống, vì đây mới là nhân tố quan trọng. Với cây mắc ca bây giờ, không chỉ xóa đói giảm nghèo mà là cây làm giàu. Những gia đình trồng được 100 cây, đủ làm giàu. Hiện các địa phương trồng cây mắc ca ở Tây nguyên, lợi nhuận mang lại hàng trăm triệu đồng/ha.

Riêng Sơn Tây, với thổ nhưỡng thích hợp như hiện nay, việc kiếm lợi nhuận 200 triệu đồng/ha (hơn 300 cây/ha) là điều không khó. Đó là chưa kể nhiều nơi, bà con nông dân còn nuôi ong dưới tán cây mắc ca, lợi nhuận tăng cao.

Xác định việc phát triển cây mắc ca góp phần xóa đói giảm nghèo và thậm chí vươn lên làm giàu chính đáng, vừa qua, huyện Sơn Tây đã tổ chức hội thảo tổng kết trồng cây mắc ca ở huyện. Tại hội thảo này, UBND huyện Sơn Tây đánh giá cây này có triển vọng lớn ở đây, mở ra hướng làm ăn mới cho đồng bào Ca Dong.

Sỹ Thắng

Tin liên quan

Nữ 9x khởi nghiệp thành công với cây mắc ca

Mới 26 tuổi đời, nhưng bằng đam mê kinh doanh và “không sợ thất bại”, cô gái Nguyễn Thị Thu Phương ở xã Phú Lộc, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk, đã mạnh dạn đầu tư kỹ thuật sấy, tận dụng ưu thế của địa phương để khởi nghiệp thành công với cây mắc ca.


Các tỉnh Tây Nguyên không mở rộng diện tích cây mắc ca

Theo Viện Khoa học Kỹ thuật nông- lâm nghiệp Tây Nguyên, hiện nay các tỉnh Tây Nguyên gồm: Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum, đã dừng quy hoạch cũng như khuyến cáo các nông hộ, doanh nghiệp không mở rộng diện tích mà chỉ tập trung chăm sóc, thâm canh diện tích cây mắc ca hiện có.


Hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mắc ca

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa ban hành hướng dẫn tạm thời kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hái quả và sơ chế hạt cây mắc ca. Đây là hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật đầu tiên cho mắc ca phát triển tại Việt Nam. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xin giới thiệu kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mắc ca theo hướng dẫn của Bộ để nông dân áp dụng vào sản xuất.



Đề xuất