Triển lãm tài liệu lưu trữ lịch sử “Bình Phước kháng chiến, kiến quốc 1954-1975”

Triển lãm tài liệu lưu trữ lịch sử “Bình Phước kháng chiến, kiến quốc 1954-1975”

Từ ngày 29/9 đến 8/10/2020, tại Tượng đài chiến thắng Đồng Xoài, thành phố Đồng Xoài, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước phối hợp với Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ tổ chức Triển lãm tài liệu lưu trữ lịch sử chuyên đề “Bình Phước kháng chiến, kiến quốc 1954 - 1975”.

Triển lãm tài liệu lưu trữ lịch sử “Bình Phước kháng chiến, kiến quốc 1954-1975” ảnh 1Đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm. Ảnh: K GỬIH - TTXVN

Triển lãm giới thiệu đến công chúng gần 300 tài liệu và nhiều hình ảnh với 3 phần: Tổ chức chiến trường Bình Phước 1954-1975; Bình Phước kháng chiến chống Mỹ cứu nước; Đảng bộ và nhân dân Bình Phước xây dựng quê hương “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Phước Trần Thị Ánh Tuyết nhấn mạnh, đây là dịp để lưu trữ lịch sử tỉnh giới thiệu đến công chúng những tài liệu, hình ảnh lưu trữ phản ánh quá trình hình thành, đấu tranh, xây dựng và bảo vệ quê hương của quân và dân Bình Phước. Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm 45 năm giải phóng quê hương và chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Nhân dịp này, lãnh đạo tỉnh Bình Phước mong muốn các cơ quan, tổ chức, cá nhân cùng với ngành lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Phước quan tâm và làm tốt hơn nữa công tác văn thư lưu trữ để ngày càng phát huy giá trị tài liệu lưu trữ lịch sử của tỉnh; nâng cao nhận thức, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh; đặc biệt thế hệ trẻ có ý thức gìn giữ và khai thác, nghiên cứu tài liệu lưu trữ phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Triển lãm tài liệu lưu trữ lịch sử “Bình Phước kháng chiến, kiến quốc 1954-1975” ảnh 2
Triển lãm tài liệu lưu trữ lịch sử “Bình Phước kháng chiến, kiến quốc 1954-1975” ảnh 3Các đại biểu tham quan triển lãm. Ảnh: K GỬIH - TTXVN

Với vị thế cửa ngõ, bàn đạp tiến công Sài Gòn từ hướng Bắc, đoạn cuối đường mòn Hồ Chí Minh, Bình Phước là nơi trực tiếp tiếp nhận sức người, sức của từ hậu phương lớn chi viện cho chiến trường Nam bộ, trở thành căn cứ đứng chân của cơ quan chỉ huy và chủ lực miền. Quân dân Bình Phước đã kiên cường kháng chiến, kiến quốc góp phần xây dựng căn cứ địa vững chắc và bền gan chiến đấu giành chiến thắng vẻ vang, trong đó nhiều địa danh đã ghi dấu trong lịch sử đất nước như: Đồng Xoài, Bàu Bàng, An Lộc hay Tàu Ô-xóm Ruộng…

Đặc biệt, trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến, Lộc Ninh - Bình Phước trở thành “Thủ đô kháng chiến” nơi diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong đó có sự kiện ngày 30/4/1975, xe tăng Quân giải phóng húc đổ cổng sắt Dinh Độc Lập, sào huyệt cuối cùng của chính quyền Sài Gòn, đánh dấu thời khắc miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông liền một dải.

Triển lãm tài liệu lưu trữ lịch sử “Bình Phước kháng chiến, kiến quốc 1954-1975” ảnh 4Các em học sinh tham quan triển lãm. Ảnh: K GỬIH – TTXVN

Qua 45 năm xây dựng, dưới dự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Phước tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, tích cực lao động, xây dựng quê hương ngày một “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như lời dạy của Bác./.

K GỬIH

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm