Triển lãm di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Gia Lai và Bình Thuận

Triển lãm di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Gia Lai và Bình Thuận
Cắt băng khai mạc Triển lãm. Ảnh: Hồng Hiếu- TTXVN
Cắt băng khai mạc Triển lãm. Ảnh: Hồng Hiếu- TTXVN

Triển lãm đã giới thiệu, trưng bày hơn 300 hiện vật, tư liệu, hình ảnh… phản ánh quá trình sinh sống, lao động, phong tục tập quán tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng các dân tộc ở hai tỉnh Gia LaiBình Thuận qua các thời kỳ. Triển lãm chia thành 2 không gian chính. Không gian trưng bày di sản văn hóa tỉnh Gia Lai được bố trí theo 3 chủ đề gồm: Các di sản văn hóa phi vật thể, con người và thiên nhiên Gia Lai. Nổi bật, các di sản văn hóa phi vật thể giới thiệu khái quát về Lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui, Sử thi Bahnar và không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên…

Các hiện vật được trưng bày tại Triển lãm. Ảnh: Hồng Hiếu- TTXVN
 Các hiện vật được trưng bày tại Triển lãm. Ảnh: Hồng Hiếu- TTXVN

Bên cạnh giới thiệu các hiện vật như: Đồ gốm cổ, trang sức, trang phục, các nhạc cụ truyền thống, đồ thủ công… của dân tộc Chăm, Bình Thuận, triển lãm còn trưng bày các hình ảnh giới thiệu về các lễ hội chính, đặc sắc của người Chăm như: Lễ hội Kate, lễ hội Ramưwan, Rija Nưga, lễ cầu mưa, lễ hỏa táng của người Chăm.
 
Du khách quốc tế tham quan, tìm hiểu nhạc cụ của các dân tộc tại Triển lãm. Ảnh: Hồng Hiếu- TTXVN
Du khách quốc tế tham quan, tìm hiểu nhạc cụ của các dân tộc tại Triển lãm. Ảnh: Hồng Hiếu- TTXVN

Ông Nguyễn Văn Quỳ, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Thuận cho biết: Các di sản được trưng bày là những tư liệu quý, kết tinh trí tuệ, tình cảm và truyền thống của nhiều thế hệ. Mặc dù trải qua thời gian lịch sử, bị mất mát, hủy hoại bởi chiến tranh và thiên nhiên nhưng các di sản văn hóa vẫn vô cùng phong phú, đa dạng và vẹn nguyên giá trị cho đến nay. Việc bảo vệ và gìn giữ các di sản văn hóa có ý nghĩa quan trọng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Triển lãm lần này không chỉ giới thiệu đến người xem nét văn hóa, nếp sống của cộng đồng các dân tộc như: Chăm, Xơ đăng, Bahnar, Gia Rai… mà còn góp phần thắt chặt tình đoàn kết và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh. Đồng thời, triển lãm còn đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu và thưởng lãm của du khách trong nước và quốc tế.

Các em học sinh tham quan, tìm hiểu không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Ảnh: Hồng Hiếu- TTXVN
Các em học sinh tham quan, tìm hiểu không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Ảnh: Hồng Hiếu- TTXVN
Ngay ngày đầu khai mạc, triển lãm đã thu hút rất đông học sinh và du khách đến tham quan, tìm hiểu, nhất là du khách quốc tế. Du khách Voculkin Leonid, đến từ Nga cho biết: Từ lâu tôi đã thích văn hóa Chăm cũng như nền văn hóa lâu đời của các dân tộc ở Việt Nam. Tôi có thể cảm nhận được những nét văn hóa đặc sắc thông qua trang phục, âm nhạc và các lễ hội.

Triển lãm sẽ kéo dài đến hết ngày 15/12.
Hồng Hiếu 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm