Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”

Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”
Đông đảo sinh viên thăm quan triển lãm. Ảnh: Quân Trang - TTXVN
Đông đảo sinh viên thăm quan triển lãm. Ảnh: Quân Trang - TTXVN
Hoạt động có sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu về Biển Đông và đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên đến từ các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Triển lãm giới thiệu tới người xem khoảng 150 bản đồ, tư liệu và 45 tranh cổ động khổ lớn cùng không gian trình chiếu Triển lãm số 3D. Tư liệu giới thiệu tại Triển lãm được chia thành những nội dung chính gồm: Bộ tranh vẽ “Lược sử Việt Nam”; các tư liệu thành văn của các triều đại phong kiến Việt Nam; các bản đồ liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa trong thời kỳ Pháp thuộc và Việt Nam Cộng hòa; một số tài liệu, hiện vật, hình ảnh liên quan đến quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong thời gian qua...
Sinh viên tham gia Ngày hội đọc sách. Ảnh: Quân Trang - TTXVN
 Sinh viên tham gia Ngày hội đọc sách. Ảnh: Quân Trang - TTXVN
Đặc biệt, Triển lãm thu hút người xem bởi không gian trình chiếu Triển lãm số 3D dựa trên nền tảng công nghệ thực tế ảo cho phép họ được tự do đi lại và khám phá các tư liệu, hiện vật trong không gian ảo. Tại đây, các hiện vật kích thước lớn, phức tạp, khó vận chuyển đã được công nghệ 3D hiển thị dễ dàng. Nhiều tư liệu quý được giới thiệu tại Triển lãm như: Bộ châu bản của triều Nguyễn có niên đại từ triều Minh Mạng (1820-1841) đến triều Bảo Đại (1926-1945) phản ánh quá trình xác lập và bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa một cách liên tục dưới triều Nguyễn; bộ Atlas Universel do Nhà địa lý học người Bỉ, Philippe Vandermaelen (1795-1869), người sáng lập Viện Địa lý Hoàng gia Bỉ biên soạn cũng chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; các tư liệu về cuộc sống đời thường của người dân Việt Nam trên đảo Hoàng Sa, khu đồn trú, khu hành chính do người Pháp lập trên đảo Hoàng Sa... Triển lãm được tổ chức nhằm giúp nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đặc biệt là thế hệ trẻ Thái Nguyên hiểu rõ hơn về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Qua đó, củng cố niềm tin trong cán bộ, nhân dân về các bằng chứng pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bác bỏ những tuyên bố phi lý của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trong khuôn khổ Triển lãm, sinh viên Thái Nguyên được giao lưu, trò chuyện với các chuyên gia, nhà nghiên cứu về Biển Đông của nước ta để được tìm hiểu, được cung cấp thêm thông tin về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với sự phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc; những đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo quê hương; chủ động đấu tranh phản bác thông tin, quan điểm sai trái, thù địch về chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Triển lãm mở cửa phục vụ người xem đến hết ngày 12/5/2019. Nhân dịp này, Đại học Thái Nguyên đã tổ chức Ngày hội đọc sách với sự tham gia hưởng ứng của đông đảo sinh viên.
Thu Hằng 

Có thể bạn quan tâm