Trí tuệ nhân tạo giúp giải "bài toán khó" về chất lượng giấc ngủ

Các nghiên cứu cho thấy con người thường dành tới 1/3 cuộc đời của mình để ngủ và vì vậy, việc ngủ không đủ giấc hoặc ngủ không ngon luôn là một "bài toán khó" đối với nhiều người, đặc biệt dưới sức ép của đại dịch COVID-19 toàn cầu. Tuy nhiên, với sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo (AI), cảm biến và quét 3D, bài toán về giấc ngủ đã tìm được lời giải.

S'UIMIN - một công ty liên doanh ở Tokyo tách ra từ Đại học Tsukuba, đã phát triển một thiết bị AI đo hoạt động của não bộ trong khi ngủ. "Bạn có đánh giá C" và "Chất lượng giấc ngủ của bạn tốt, nhưng thời gian ngủ trung bình của bạn là 5 giờ - quá ngắn và không thường xuyên". Đây là những thông báo, được thiết bị InSomnograf, do S'UIMIN sáng chế, mang đến cho người trải nghiệm về giấc ngủ của họ mỗi ngày. Thiết bị này gồm một dây đeo đầu, với các miếng dán điện cực, đặt trên 5 vùng của khuôn mặt - gồm phần giữa, bên phải, bên trái của trán và 2 bên cổ. Thiết bị này phải được đeo trước khi ngủ trong khoảng 5 ngày.

InSomnograf đánh giá hơn 20 chỉ số giấc ngủ khác nhau, trong đó thời gian đi vào giấc ngủ và lượng thời gian cho giấc ngủ ngon. Dữ liệu được tải lên đám mây, với các báo cáo hằng ngày có sẵn thông qua điện thoại thông minh dựa trên chất lượng giấc ngủ của cá nhân. AI tiến hành phân tích hoạt động của não bộ dựa trên dữ liệu của hàng trăm người.

Ông Hideaki Kondo, 57 tuổi, chuyên gia y tế phụ trách đánh giá giấc ngủ tại Bệnh viện Inoue ở Nagasaki, Tây Nam Nhật Bản, ca ngợi thiết bị InSomnograf vì sự tiện lợi của nó. Theo ông Kondo, đây là một thiết bị dễ dàng thu được dữ liệu khách quan, thậm chí có thể thực hiện việc kiểm tra giấc ngủ bệnh nhân từ xa, qua đó giảm bớt gánh nặng cho họ, đặc biệt là trong bối cảnh COVID-19.

Trong khi đó, nhà sản xuất chăn ga gối đệm Nishikawa Co., có trụ sở tại Tokyo, lại lập ra các phòng khám "tư vấn giấc ngủ" tại những cửa hàng của hãng này trên toàn quốc. Tại đây, các nhân viên cửa hàng đã trở thành những "bậc thầy giấc ngủ" túc trực để giúp khách hàng giải quyết các vấn đề về giấc ngủ. Theo đó, Nishikawa Co. sẽ cung cấp cho khách hàng một thiết bị cảm biến nhỏ gắn vào thắt lưng trong vòng một tuần để theo dõi các dữ liệu, như mức độ hoạt động hằng ngày và điều kiện ngủ. Một cảm biến khác sẽ theo dõi các điều kiện môi trường bằng cách ghi lại dữ liệu như nhiệt độ phòng ngủ, độ ẩm, độ sáng và tiếng ồn.

Một nữ nhân viên văn phòng, 46 tuổi, ở Tokyo, khi đến phòng khám "tư vấn giấc ngủ" mới biết mình chỉ ngủ sâu trung bình trong 5 giờ và 33 phút và trở mình tới 9 lần. Do đó, dựa trên các dữ liệu mà thiết bị thu được, các "bậc thầy giấc ngủ" đã đưa ra lời khuyên cô giảm độ ẩm phòng ngủ và đi ngủ sớm hơn 30 phút.

Bên trong cửa hàng, còn có một thiết bị đo phần nào trên cơ thể phải chịu áp lực khi nằm trên giường, trong khi một máy quét 3D cũng được sử dụng để kiểm tra xương. Kết quả sẽ được hiển thị trên màn hình máy tính để từ đó các "bậc thầy về giấc ngủ" sẽ đưa ra tư vấn về lựa chọn giường ngủ.

Theo các chuyên gia, gần đây, ngày càng có nhiều người phàn nàn về việc mất ngủ, cũng như các chứng rối loạn giấc ngủ khác, do ảnh hưởng của dịch bệnh. Chính do đó, Nishikawa Co. cho biết kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, số người đến phòng khám tư vấn của công ty này đã tăng gấp đôi. Thực tế, việc phải làm việc ở nhà, kéo theo số người không tập thể dục đủ và không cân bằng được cuộc sống công việc và nghỉ ngơi ngày càng tăng.

Theo "bậc thầy giấc ngủ" Arata Otsuka, 43 tuổi, giấc ngủ thoải mái chỉ được quyết định dựa trên thói quen sinh hoạt, môi trường ngủ và giường ngủ. Vì vậy, nếu muốn có một giấc ngủ chất lượng, cần tập thể dục vừa phải trong ngày, ngâm mình trong bồn tắm trước khi ngủ, đặc biệt phải tránh xa điện thoại di động trước khi ngủ.

Ngọc Hà

Tin liên quan

Mối quan hệ giữa giấc ngủ và nhận thức

Một nghiên cứu của các nhà khoa học Anh mới đây phát hiện ngủ ít hơn 7 giờ hoặc nhiều hơn 9 giờ mỗi ngày có thể ảnh hưởng đến quá trình nhận thức của con người như trí nhớ thị giác và thời gian phản ứng.


Ngủ không sâu giấc - dấu hiệu sớm của chứng Alzheimer

Theo một nghiên cứu vừa đăng tải trên Tạp chí Y học Tịnh tiến (Science Translational Medicine), những người càng cao tuổi có giấc ngủ không sâu, thường có mức độ protein ổn định vi ống (tau protein) cao hơn. Lượng protein này tăng cao là một dấu hiệu cảnh báo chứng mất trí nhớ Alzheimer và có liên quan tới tình trạng tổn thương não bộ, cũng như suy giảm nhận thức.


Nhận diện và chữa trị bệnh ngủ rũ

Ngủ nhiều còn gọi là ngủ lịm, ngủ rũ. Người bệnh có thể ngủ từ 12 đến 18 tiếng một ngày. Ngủ rũ là một loại bệnh rối loạn giấc ngủ rất phức tạp, nó ngược lại với tình trạng mất ngủ. Người mắc bệnh này nếu không được điều trị sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt, chất lượng cuộc sống.



Đề xuất