“Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương” - Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia

“Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương” - Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia

Ngày 5/4, thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) tổ chức Lễ công bố Quyết định đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với “Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương”. Đây là sự kiện ý nghĩa và tự hào đối với người dân vùng chè đặc sản Tân Cương, tạo tiền đề để khai thác tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn gắn với văn hóa trà tại vùng chè nổi tiếng này.

“Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương” - Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia ảnh 1Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Bình trao quyết định công nhận “Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương” là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Ảnh: Trần Trang-TTXVN

Nghề trồng và chế biến chè Tân Cương bắt đầu từ những năm 20 của thế kỷ XX. Đến nay, vùng chè Tân Cương có tổng diện tích trên 1.300 ha, sản lượng trên 20.000 tấn/năm, tập trung chủ yếu ở ba xã Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân. Khu vực này có những điều kiện đặc trưng về thổ nhưỡng và khí hậu, thích hợp cho sinh trưởng và phát triển của cây chè.

Người dân vùng Tân Cương chú trọng thực hiện quy trình trồng, chăm sóc cây chè theo kinh nghiệm truyền thống từ khâu làm đất, ươm giống, trồng chè đến bón phân, tưới nước, làm cỏ, thu hái, sao chè, đóng gói, bảo quản…, tạo nên chất lượng đặc biệt của vùng chè Tân Cương so với các vùng khác.

Với ý nghĩa đặc biệt này, ngày 14/2/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 240/QĐ-BVHTTDL về việc công bố danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với “Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương” cho các xã thuộc vùng chè Tân Cương.

Để công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di sản Văn hóa phi vật thể “Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương” được lan tỏa, tại Lễ công bố, Phó Chủ tịch tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Bình đề nghị các cấp chính quyền và người dân trên địa bàn tiếp tục nghiên cứu, tổ chức những hoạt động thiết thực như truyền dạy, giáo dục di sản văn hóa phi vật thể và có những chính sách đối với nghệ nhân, cộng đồng. Đồng thời, giới thiệu về di sản văn hóa phi vật thể trong và ngoài nước; nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa, áp dụng khoa học công nghệ vào hoạt động bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể; đẩy mạnh đào tạo, nâng cao năng lực, nâng cao nhận thức của cộng đồng, chủ thể di sản và xã hội để duy trì, phát huy giá trị văn hóa Trà trong đời sống người dân địa phương.

“Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương” - Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia ảnh 2Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Bình trao quyết định công nhận xã Tân Cương đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022. Ảnh: Trần Trang-TTXVN

Tại chương trình, UBND thành phố Thái Nguyên đã công bố Quyết định công nhận xã Tân Cương đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022 và Quyết định công nhận “Điểm du lịch cộng đồng xã Tân Cương”. Đây là điều kiện để xã Tân Cương ngày càng phát triển, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của thành phố, phát huy giá trị của sản phẩm chè, tạo ra điểm đến hấp dẫn kết nối với các di tích, danh thắng trên địa bàn thành phố, từ đó quảng bá hình ảnh du lịch, thu hút thêm nhiều du khách đến với Thái Nguyên.

Thu Hằng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm