Trên 20 điểm mới tự tin nộp hồ sơ

Trên 20 điểm mới tự tin nộp hồ sơ
Kết thúc đợt đầu tiên (từ 1-3/8), các trường đã thực hiện nghiêm túc quy định này. Đến sáng 4/8, các thí sinh bước đầu biết được mức điểm để có thể xét tuyển vào trường mình chọn.
Các trường phía Bắc nộp nhiều hồ sơ
Tính đến chiều ngày 3/8, nhiều trường ĐH vẫn chưa có danh sách cụ thể, do lượng hồ sơ nộp vào khá nhiều và thí sinh vẫn tiếp tục nộp cho tới cuối giờ chiều 3/8. Tuy nhiên, theo thông tin ban đầu, hầu hết những thí sinh nộp hồ sơ vào các trường đều có số điểm trên 20.
 
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Đan Phương
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Đan Phương

Ngay trong ngày đầu tiên nhận hồ sơ xét tuyển (1/8), ĐH Y Hà Nội đã cập nhật danh sách thí sinh nộp hồ sơ vào trường. Theo danh sách này, thí sinh có điểm cao nhất là Lương Thị Minh Thúy, đạt 28,5 điểm. Người có điểm thấp nhất nộp hồ sơ vào trường này là 20,5 điểm.
Bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Ngoại Thương Hà Nội cho biết, số hồ sơ trường nhận được trong 3 ngày đầu tiên chiếm gần 1/3 tổng chỉ tiêu. Bà cũng cho hay, phổ điểm nộp hồ sơ trong 3 ngày đầu tiên từ 23 đến 29 điểm, trong đó tập trung nhiều là điểm từ 24- 25. Khối A có 2 thí sinh điểm cao nhất là 29 điểm. Sáng 4/8, trường công bố đầy đủ danh sách sinh viên nộp hồ sơ trên website nhà trường.
Đại diện trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, số thí sinh nộp hồ sơ vào trường trong 3 ngày đầu tiên chủ yếu là những thí sinh có mức điểm từ 23 - 27 điểm. Trước đó, ngày 29/7, trường đã tổ chức tư vấn trực tuyến cũng như trực tiếp tại trường để chuẩn bị cho đợt xét tuyển. Hàng nghìn thí sinh đã đến dự, đưa ra những thắc mắc và kịp thời được giải đáp. Theo ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, do lượng hồ sơ nộp đầu tiên khá đông với mức điểm tương đối cao, nên nhiều khả năng trường sẽ hoàn tất việc tuyển sinh ngay trong đợt đầu.
GS.TS Trịnh Minh Thụ, Phó hiệu trưởng Đại học Thủy lợi cho biết, thí sinh nộp hồ sơ vào trường tập trung chủ yếu từ 18- 19 điểm trở lên. Nhà trường sẽ căn cứ lượng hồ sơ, chỉ tiêu xét tuyển để thông báo điểm chính thức trước ngày 25/8. Mặc dù trường đưa ra ngưỡng xét tuyển đầu vào là 15, nhưng với thực tế điểm như năm nay, dự kiến điểm chuẩn vào trường sẽ cao hơn.
G.TS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng thông tin, trong những ngày đầu tiên nộp hồ sơ, lượng thí sinh đến nộp khá đông. Tính đến chiều 3/8, trường nhận được khoảng 2.000 hồ sơ. Trường đang thống kê từ những ĐH thành viên để có sắp xếp hồ sơ thí sinh từ cao xuống thấp.
Các trường phía Nam, thí sinh vẫn thăm dò
Trong khi đó, tại TP Hồ Chí Minh, do các thí sinh vẫn đang xem xét tìm hiểu, nên lượng hồ sơ nộp vào các trường đợt đầu chưa nhiều. Cụ thể như trường ĐH Hoa Sen trong ngày đầu tiên chỉ có khoảng 416 bộ hồ sơ nộp vào trường, trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh sau ba ngày nhận hồ sơ chỉ có 70 bộ hồ sơ nộp xét tuyển; trường ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh đến ngày 3/8 có khoảng hơn 700 bộ hồ sơ nộp vào trường.
Với trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, năm nay chỉ tiêu tuyển sinh vào trường là 3.000 ở ĐH và 760 ở CĐ, điểm xét vào các ngành của trường là 15 điểm. Sau 3 ngày, trường nhận được 1.700 hồ sơ với phổ điểm chủ yếu là 17 điểm. Thầy Thái Doãn Thanh, trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết: Hiện nay thí sinh nộp hồ sơ mới chỉ mang tính chất thăm dò, đặc biệt là thí sinh có mức điểm cao vẫn đang chờ đợi tìm hiểu ở các trường tốp trên. Có thể trong vòng 10 ngày tới lượng hồ sơ nộp vào các trường sẽ nhiều hơn.

Bà Trương Thị Ngọc Bích, Phó giám đốc phòng Tuyển sinh & Truyền thông trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh cho biết: “Điểm chuẩn để nộp hồ sơ vào trường năm nay ở tất cả các ngành là 15 điểm, chỉ tiêu tuyển sinh của trường 700. Là trường đào tạo theo tiêu chuẩn chất lượng cao với mức học phí tương đối cao nên các thí sinh vẫn đang còn cân nhắc trong việc nộp hồ sơ vào học tại trường. Đến nay nhà trường mới chỉ nhận được khoảng 70 bộ hồ sơ”.
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho biết sau 3 ngày nhận hồ sơ xét tuyển đã có hơn 3.000 hồ sơ nộp vào trường. Năm nay điểm tối thiểu nộp hồ sơ xin xét tuyển vào trường: ngành sư phạm tiếng Anh, kỹ thuật công nghiệp, kinh tế gia đình, các ngành có đào tạo chất lượng cao: 17 điểm; các ngành còn lại 18 điểm (tổng điểm ba môn chưa nhân hệ số môn chính theo khối, chưa cộng điểm ưu tiên).
Đại diện trường ĐH Sư phạm kỹ thuật cho biết, đến thời điểm hiện tại thì chưa thể nói chắc chắn điểm nào dễ trúng tuyển vì điểm trúng tuyển còn phụ thuộc vào lượng hồ sơ nộp vào trường. Một cán bộ tuyển sinh của nhà trường chia sẻ: “Năm nay thí sinh khá vất vả trong việc nộp hồ sơ xét tuyển, nhất là các thí sinh ở tỉnh sẽ gặp khó khăn trong việc theo dõi thông tin, nộp hồ sơ và rút hồ sơ. Đặc biệt, với cách xét tuyển năm nay nhiều thí sinh có thể trở tay không kịp. Cụ thể, trước đó có thể thí sinh đó trúng tuyển nhưng vào những ngày cuối các thí sinh có điểm cao hơn nộp hồ sơ vào thì những thí sinh tưởng trúng tuyển sẽ lại rớt”.

Tư vấn cho thí sinh về việc chọn nộp hồ sơ, nhằm đảm bảo đạt được mục tiêu vào trường mình lựa chọn, thầy Thái Doãn Thanh - trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Các thí sinh phải thường xuyên theo dõi trên trang web của các trường về lượng hồ sơ vào ngành của trường mình muốn nộp xét tuyển. Đặc biệt là đối với các thí sinh ở tỉnh, vì điều kiện đi lại khó khăn, nên phải xem xét cân nhắc hơn so với các thí sinh ở thành phố”. Bà Trương Thị Ngọc Bích - Phó giám đốc phòng Tuyển sinh & Truyền thông trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh, cũng lưu ý, dù nhiều trường công lập đưa ra mức điểm chuẩn bằng với điểm sàn của Bộ, nhưng các thí sinh cũng phải lưu ý khi nộp hồ sơ vì có thể mức điểm sẽ cao hơn từ 3 - 4 điểm. Năm nay, phổ điểm từ 15 - 18 điểm, được đánh giá là mức điểm nguy hiểm, vì vậy thí sinh thận trọng khi nộp hồ sơ vào các trường công lập.
Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm