Trên 1.600 tỷ đồng đầu tư cho ngành hàng rau, quả tỉnh Hậu Giang

Trên 1.600 tỷ đồng đầu tư cho ngành hàng rau, quả tỉnh Hậu Giang
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Hồng Thái - TTXVN Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Hồng Thái - TTXVN
Tại buổi làm việc, đại diện đoàn Chương trình Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á thông tin đến tỉnh Hậu Giang lĩnh vực hoạt động ưu tiên của ADB giai đoạn 2019 - 2022, lĩnh vực vay nợ, điều kiện vay và quy trình chuẩn bị dự án. Các đại biểu cũng trao đổi về nhu cầu của tỉnh Hậu Giang đối với dự án “Tăng cường năng lực cạnh tranh thông qua thúc đẩy thương mại hóa ngành hàng rau và quả tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2026”. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đánh giá, dự án “Tăng cường năng lực cạnh tranh thông qua thúc đẩy thương mại hóa ngành hàng rau và quả tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2026” là dự án rất quan trọng, góp phần xây dựng vùng nguyên liệu rau, củ ổn định, phục vụ phát triển nông thôn, nông dân trong thời gian tới. Ông Tuấn cho biết, tỉnh đã thống nhất quan điểm thực hiện dự án. Tỉnh ủy cũng quan tâm đến hiệu quả của dự án, do đó, các bước thực hiện phải làm sao để dự án mang lại hiệu quả nhất. Về cơ chế đầu mối, đề xuất cơ quan chủ quản là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc một tỉnh trung tâm làm đầu mối. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề xuất, ADB hỗ trợ tỉnh Hậu Giang một số dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng, cấp thoát nước, xử lý nước thải, chống biến đổi khí hậu, điện, y tế, giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn. Ông Nguyễn Minh Cường, Trưởng Ban Chương trình Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ghi nhận ý kiến của tỉnh về cơ chế đầu mối và cho biết, phía ADB mong muốn thời gian thực hiện dự án“Tăng cường năng lực cạnh tranh thông qua thúc đẩy thương mại hóa ngành hàng rau và quả tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2026” trùng khớp với thời gian thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn của Hội đồng nhân dân tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Dự án "Tăng cường năng lực cạnh tranh thông qua thúc đẩy thương mại hóa ngành hàng rau và quả tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2026" hiện đang được hoàn thiện, ADB, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hỗ trợ tư vấn. Dự án đề xuất 4 hợp phần gồm: hợp phần đổi mới và chuyển giao công nghệ; hợp phần xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; hợp phần hỗ trợ phát triển công nghệ thông tin, tổ chức và điều phối chuỗi giá trị, hỗ trợ tín dụng; hợp phần quản lý dự án, dự phòng. Dự kiến tổng mức đầu tư của dự án là trên 1.600 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách đối ứng là 160 tỷ đồng, vốn vay nước ngoài của ADB khoảng 780 tỷ đồng, vốn viện trợ không hoàn lại 46 tỷ đồng, còn lại là vốn doanh nghiệp và vốn hợp tác xã. Nguồn vốn vay ADB sẽ hỗ trợ xây dựng hạ tầng, trang thiết bị phục vụ dự án và phục vụ phát triển vùng sản xuất rau màu, nấm ăn, nấm dược liệu và cây ăn trái tại 7 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh với mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 20% sản lượng rau quả thực phẩm an toàn được chứng nhận VietGAP GlobalGAP, xây dựng ít nhất 2 - 3 thương hiệu nông sản đặc thù của tỉnh.
Hồng Thái

Có thể bạn quan tâm