Trao đổi kinh nghiệm xây dựng quy chế hoạt động tổ khuyến nông cộng đồng

Trao đổi kinh nghiệm xây dựng quy chế hoạt động tổ khuyến nông cộng đồng

Nhằm củng cố kiện toàn hệ thống khuyến nông cơ sở theo hướng mở rộng đa chức năng dịch vụ, phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển nông thôn, chiều 2/12, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum tổ chức tọa đàm “Trao đổi kinh nghiệm xây dựng quy chế hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng tại Kon Tum”.

Trao đổi kinh nghiệm xây dựng quy chế hoạt động tổ khuyến nông cộng đồng ảnh 1Ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: danviet.vn

Buổi tọa đàm là dịp để các nhà quản lý, nhà khoa học, các doanh nghiệp, các chủ trang trại, hợp tác xã và các thành viên các tổ khuyến nông cộng đồng cùng trao đổi, thảo luận tìm giải pháp phù hợp để hoàn chỉnh quy chế hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng gắn với phát triển vùng nguyên liệu cà phê cũng như các cây trồng khác một cách bền vững và hiệu quả.

Theo ông Lê Lợi, Tổ phó tổ khuyến nông cộng đồng xã Hà Mòn (một trong 2 tổ thí điểm của tỉnh Kon Tum) nêu nhiều bất cập của tổ như: thành lập được 4 tháng nhưng các thành viên (5 thành viên) chưa biết hoạt động thế nào, từ đâu để tạo chuỗi liên kết. "Chúng tôi hiện chuẩn bị khảo sát vùng trồng cà phê (của dân và doanh nghiệp) nhưng tổ khuyến nông cộng đồng không thể can thiệp việc làm, cách làm hay hướng dẫn doanh nghiệp làm theo tổ. Hiện kinh phí, trang thiết bị hoạt động của tổ không có. Cùng đó, người của tổ ngoài công chức xã, huyện, tỉnh còn cán bộ cán bộ bán chuyên trách, lương thấp, khó khi làm thêm", ông Lê Lợi chia sẻ.

Để tổ hoạt động, ông Lê Lợi kiến nghị với Trung tâm Khuyến công Quốc gia cần làm rõ tư cách pháp nhân của tổ khuyến nông cộng đồng; cần phải tập huấn kỹ năng về truyền thông; hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị để hoạt động....

Cùng băn khoăn với các khó khăn trên, anh Nguyễn Tri Sáu, thành viên tổ khuyến nông cộng đồng xã Hà Mòn kiến nghị thêm, Trung tâm cần phải tập huấn chuyên môn để nâng cao kiến thức, sớm có kinh phí hỗ trợ anh em làm việc. Công việc cần cụ thể, vì hiện mỗi người một ý khác nhau.

Cùng đó, nhiều ý kiến của đại biểu băn khoăn tại hội thảo về các hoạt động hỗ trợ, tư vấn hộ nông dân, hợp tác xã tham gia thị trường và liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất cà phê; hoạt động tư vấn, hướng dẫn chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp đối với tổ khuyến nông cộng đồng…

Ông Hồ Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, công tác khuyến nông cần phải kiện toàn về tổ chức, đặc biệt là khuyến nông cơ sở, đa dạng hoạt động khuyến nông theo cách tiếp cận dịch vụ cụ thể như tăng cường khuyến nông cơ sở, đặc biệt là cấp xã, lấy hợp tác xã nông nghiệp là nền tảng để hỗ trợ nông dân sản xuất bền vững.

Cùng với đó, tỉnh cần tăng cường nhiệm vụ khuyến nông theo hướng dịch vụ, bám vào 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm như: chuyển giao ký thuật công nghệ mới, hỗ trợ hình thành phát triển hợp tác xã (vận động, tư vấn thành lập hợp tác xã, tư vấn tổ chức sản xuất, ..), thông tin thị trường, liên kết sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi số. Cùng đó, đa dạng các loại hình hoạt động khuyến nông theo hướng dịch vụ, ưu tiên phục vụ phát triển vùng nguyên liệu bền vững.

Trước mắt, nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác khuyến nông là nhanh chóng củng cố, kiện toàn hệ thống khuyến nông các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở theo mô hình tổ khuyến nông cộng đồng; đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông theo hướng đa dạng hóa chức năng và loại hình hoạt động khuyến nông, phát triển dịch vụ khuyến nông theo hướng xã hội hóa, tích hợp đa giá trị nhằm tạo ra giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế cho các đối tượng tham gia khuyến nông.

Thời gian qua, hoạt động khuyến nông Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, đóng góp vào sự thành công chung của ngành nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác khuyến nông hiện đang gặp những khó khăn, thách thức và thiếu ổn định và bền vững.

"Cụ thể, các địa phương sắp xếp lại bộ máy đã gây nên tình trạng “đứt gãy” hệ thống khuyến nông, làm hệ thống suy yếu và thiếu tính liên kết bền vững; hoạt động khuyến nông chưa chú trọng đến phát triển thị trường, liên kết theo chuỗi giá trị, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc…", ông Hồ Văn Hồng cho biết.

Thực hiện Đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông, trên cơ sở kiện toàn mô hình Khuyến nông cộng đồng, năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum đã thành lập thí điểm 2 tổ khuyến nông cộng đồng tại xã Đăk Mar và Hà Mòn để hỗ trợ mở rộng vùng nguyên liệu cà phê đạt chuẩn 6.500 ha tại huyện Đăk Hà; đồng thời, nhân rộng và thành lập thêm 14 tổ khuyến nông cộng đồng trên toàn tỉnh.

Cao Nguyên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm