Trao cơ hội thoát nghèo cho người dân

Trao bò cho người dân ở Vĩnh Long nhằm giúp người dân thoát nghèo. Ảnh: baovinhlong.com.vn
Trao bò cho người dân ở Vĩnh Long nhằm giúp người dân thoát nghèo. Ảnh: baovinhlong.com.vn

Từ hơn 400 con bò giống ban đầu của Dự án Hỗ trợ hộ nghèo chăn nuôi bò giống nâng cao đời sống giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, đến nay, tổng số lượng bò của dự án đã được nâng lên 667 con. Tận dụng con giống được hỗ trợ, nhiều hộ nghèo của tỉnh Vĩnh Long đã chí thú làm ăn, chăn nuôi bò phát triển tốt và sinh sản, từ đó có bê con giao lại dự án và sở hữu bò mẹ để tiếp tục chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình.

Trao cơ hội thoát nghèo cho người dân ảnh 1Trao bò cho người dân ở Vĩnh Long nhằm giúp người dân thoát nghèo. Ảnh:baovinhlong.com.vn

Qua hơn ba năm triển khai, Dự án đã góp phần giúp 267 hộ vươn lên thoát nghèo, trong đó có 125 hộ thoát nghèo và 142 hộ được nâng lên cận nghèo.

Theo Ban quản lý Dự án Hỗ trợ hộ nghèo chăn nuôi bò giống nâng cao đời sống giai đoạn 2017-2020, Dự án hỗ trợ 407 con bò giống cho người nghèo trên địa bàn, mỗi con bò trị giá 17 triệu đồng, được trích từ Quỹ vì người nghèo của tỉnh. Với hình thức hỗ trợ không tính lãi, khi bò sinh sản, các hộ dân sẽ chăm sóc bò con đạt yêu cầu, rồi tiếp tục chuyển giao cho các hộ khác nuôi và được giữ lại bò mẹ ban đầu. Qua thời gian thực hiện, Dự án đã phát huy hiệu quả, giúp hộ nghèo tận dụng thời gian nhàn rỗi để lao động sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Cùng với đó, Dự án còn trang bị cho hộ nghèo những kiến thức về nghề chăn nuôi bò giống, giúp họ có điều kiện sản xuất và phát triển bền vững.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mỹ Phước, huyện Mang Thít Nguyễn Thanh Tùng cho biết, năm 2017, địa phương có 20 hộ nghèo được nhận bò giống từ Dự án. Để giúp người dân chăn nuôi hiệu quả, địa phương phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tổ chức tập huấn kiến thức chăn nuôi, hướng dẫn hộ dân làm ăn hiệu quả. Đa số các hộ đã ý thức được trách nhiệm khi nhận bò giống nên phấn đấu học hỏi kỹ thuật, chịu khó chăm sóc để bò sớm sinh sản, trao lại bê con cho hộ khác.

Đến nay, 16 hộ có bò đã sinh sản, trong đó 4 hộ đã chuyển giao bê cho hộ khác tiếp tục chăn nuôi, 12 hộ xin nhận bê lại nuôi để mở rộng chăn nuôi và hoàn lại cho dự án số tiền vốn ban đầu 17 triệu đồng. Đặc biệt, nhờ sự hỗ trợ, các hộ dân vừa có con giống để chăn nuôi, vừa có động lực làm ăn, qua đó, 11 hộ được trao bò vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Ông Phan Minh Trí, xã Mỹ Phước cho biết, nhờ bò giống tốt và được hướng dẫn kỹ thuật, ông chăm sóc bò đạt hiệu quả. Đến nay, bò đã sinh sản được một con bê đực. Gia đình ông đã làm đơn xin hoàn tiền cho dự án 17 triệu đồng để nhận nuôi lại con bê, mở rộng chăn nuôi. Hiện nay, cả bò mẹ và bê con đang phát triển rất tốt. Gia đình ông đã thoát nghèo, đời sống phát triển.

Ông Trần Thanh Hiền, xã Hiếu Thuận, huyện Vũng Liêm phấn khởi vì nhờ Dự án mà có điều kiện thoát nghèo, mở ra cơ hội vươn lên. Qua hơn ba năm, con bò của ông đã sinh sản được hai bê con. Hiện tại, ông đang sở hữu ba con bò với giá trị hơn 60 triệu đồng. “Đây thật sự là chiếc cần câu hiệu quả giúp người nghèo vươn lên trong cuộc sống. Mô hình này nếu được nhân rộng sẽ giúp đỡ được cho hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh có thêm phương tiện làm ăn thoát nghèo bền vững”, ông Hiền nói.

Theo Ban quản lý Dự án hỗ trợ hộ nghèo chăn nuôi bò giống nâng cao đời sống giai đoạn 2017-2020, Dự án phù hợp với trình độ chăn nuôi và điều kiện kinh tế của người địa phương nên đã phát huy hiệu quả trong việc giúp người dân giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, dự án cũng gặp một số khó khăn.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết, xuất phát từ mong muốn cung cấp cho hộ nghèo “cần câu” thay vì trao “con cá”, Dự án này đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực với 260 con bò được sinh thêm và đặc biệt đã giúp 267 hộ dân vươn lên thoát nghèo. Dự án đã tác động đến ý thức người dân, khuyến khích hộ nghèo tích cực, chủ động hơn trong lao động sản xuất, giảm sự trông chờ hay mặc cảm, tự ty, tạo điều kiện cho hộ nghèo phấn đấu bằng sức lao động của mình để vươn lên thoát nghèo.

Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long sẽ tiếp tục xem xét phương hướng mở rộng Dự án trong giai đoạn tiếp theo để giúp người dân có phương tiện vươn lên thoát nghèo bằng chính sức lao động của mình. Cùng với đó, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành có liên quan tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân chủ động lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo, không trông chờ vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; phát huy vai trò của chính quyền địa phương, đoàn thể trong việc giúp hộ nghèo tận dụng các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho họ cải thiện sinh kế, thoát nghèo bền vững.

Lê Thúy Hằng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm