Trang trọng Lễ tế Xã Tắc năm 2018 tại Huế

Trang trọng Lễ tế Xã Tắc năm 2018 tại Huế
Nghi thức lễ cúng trong Lễ tế Xã Tắc. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN
Nghi thức lễ cúng trong Lễ tế Xã Tắc. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN

Lễ tế bao gồm các nghi lễ: Lễ Quán tẩy (Lễ rửa tay tẩy trần), Lễ Thượng hương (Lễ dâng hương), Lễ Nghinh thần  (Lễ rước thần đến tham dự), Lễ Điện ngọc bạch (Lễ dâng ngọc trắng), Lễ Truyền chúc (Lễ đọc chúc văn), Lễ Hiến tước (Lễ dâng rượu), Lễ Tứ phúc tộ (Lễ hưởng lộc), triệt soạn (Lễ hạ cỗ), tống thần (Lễ đưa tiễn thần), tư chúc bạch soạn (Lễ đốt chúc văn, ngọc lụa, bài vị).

Lễ vật tế trời đất trong Lễ tế Xã Tắc. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN
Lễ vật tế trời đất trong Lễ tế Xã Tắc. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN

Đàn Xã Tắc là một trong những di tích cung đình đặc biệt quan trọng của Cố đô Huế. Dưới thời Nguyễn, cùng hàng với đàn Nam Giao và Ngũ miếu trong Hoàng thành (Triệu Miếu, Thái Miếu, Hưng Miếu, Thế Miếu và Phụng Tiên Miếu), công trình này là một trong những "miếu Đàn" trọng yếu của triều đình và hoàng gia. Lễ tế Xã Tắc được tổ chức mỗi năm hai lần vào mùa Xuân và mùa Thu, xếp vào hàng Đại tự, chỉ đứng sau lễ tế Nam Giao.

Lễ cúng trong Lễ tế Xã Tắc. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN
Lễ cúng trong Lễ tế Xã Tắc. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN

Đàn Xã Tắc được xây dựng từ cuối mùa Xuân năm 1806, sau khi vua Gia Long quy hoạch lại toàn bộ Kinh thành trên đất của 8 làng ở bờ bắc sông Hương. Đàn nằm ở phía Tây Hoàng Thành, đúng theo nguyên tắc "tả Tổ, hữu Xã" (bên trái thờ Tổ, bên phải thờ Xã Tắc) của thành trì phương Đông truyền thống. Do ý nghĩa và tính chất đặc biệt quan trọng của công trình, khi khởi công, tất cả các thành, dinh, trấn trong toàn quốc theo lệnh vua phải đóng góp đất sạch để đắp đàn. Bởi vậy, đàn Xã Tắc tượng trưng cho đất đai của Tổ quốc.

Lễ cúng trong Lễ tế Xã Tắc. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN
Lễ cúng trong Lễ tế Xã Tắc. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN

Sau khi triều Nguyễn sụp đổ, đàn Xã Tắc đã xuống cấp và bị xâm hại nghiêm trọng, đến nay di tích gần như đang trong tình trạng hoang phế. Năm 2006, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế lập hồ sơ và đề nghị xếp hạng di tích quốc gia cho đàn Xã Tắc, đồng thời tiến hành dựng biển công khai qui hoạch cho di tích này. Đàn Xã Tắc đã được đắp dựng với qui mô tương đối lớn. Đàn gồm hai tầng, đều hình vuông, tầng trên cao 1,6m, mỗi cạnh dài gần 30m, mặt nền tô năm màu theo ngũ phương (chính giữa màu vàng, nam màu đỏ, bắc màu đen, tây màu trắng, đông màu xanh). Tầng dưới cao 1,23m, mỗi cạnh dài 73m. Cả hai tầng đều xây lan can gạch, cao hơn 90cm; lan can tầng trên tô màu vàng, tầng dưới tô màu đỏ. Xung quanh đàn có tường thấp bao quanh. Mở cửa ở ba mặt: Bắc, Tây và Đông. Trước đàn có đào hồ vuông làm minh đường.

Đội nhạc lễ trong Lễ tế Xã Tắc. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN
Đội nhạc lễ trong Lễ tế Xã Tắc. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN

Đàn Xã Tắc hiện nay nằm tại phường Thuận Hòa, thành nội Huế, trong ô phố giới hạn bởi các đường: Ngô Thời Nhiệm (phía Bắc), Trần Nguyên Hãn (phía Nam), Trần Nguyên Đán (phía Đông), Nguyễn Cư Trinh (phía Tây). Lễ tế Xã Tắc với tính chất là một nghi lễ cung đình đã được nghiên cứu và phục hồi thành công và trở thành một nét văn hóa truyền thống độc đáo của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Việc phục dựng nghi lễ nhằm mục đích đáp ứng nguyện vọng của người dân luôn mong mỏi được dâng hương cầu nguyện quốc thái dân an, mưa gió thuận hòa, mùa màng tươi tốt, người dân có cuộc sống hạnh phúc, cơm no áo ấm...
Quốc Việt

Có thể bạn quan tâm