Trang trại nuôi lợn trên núi Tam Đảo

Quy mô trang trại nuôi lợn giống và lợn thịt của gia đình anh Trần Chí Đông (thôn Lưu Quang, xã Minh Quang, Tam Đảo, Vĩnh Phúc) khiến nhiều người bất ngờ. Trên diện tích 2.000m vuông, những dãy chuồng trại khang trang nối tiếp nhau dưới tán cây xanh rì. Anh Đông bảo: “Đó mới chỉ là bước đầu thôi. Đang muốn mở rộng thêm, bởi bây giờ có nhiều kinh nghiệm hơn trước rồi”. 

unnamed.jpg

Anh Trần Chí Đông bên trang trại chăn nuôi của mình

5 năm về trước, cũng như nhiều người ở xã Minh Quang, gia đình anh Đông chỉ nuôi vài ba con lợn mỗi lứa. Thỉnh thoảng đàn lợn bị dịch, công sức chăm bẵm cả mấy tháng trời đổ xuống sông xuống biển. Thấy nơi này nơi kia, bà con nông dân làm giàu được từ nuôi lợn, anh Đông mê lắm. Thế rồi, anh quyết định đi học hết mô hình này đến hợp tác xã kia. Về, anh Đông bàn với gia đình vay vốn ngân hàng, đầu tư một hệ thống chuồng trại quy mô để chăn nuôi lợn. Biết là khởi đầu bao giờ cũng khó khăn, nên anh Đông đã tính đến phương án lấy ngắn nuôi dài.

 

- Ngày đầu khó khăn rất nhiều thứ, nhất là tìm nguồn giống bố mẹ, thứ hai là kỹ thuật xây chuồng trại, nên đi tập huấn tìm hiểu ở rất nhiều trang trại, các công ty. Mình lấy ngắn nuôi dài, lúc đầu nuôi mấy chục con, sau tăng dần. Ban đầu mình nuôi 60 nái thôi, sau mình chuyển sang chuồng trại 300 nái khép kín.

Nắm vững kỹ thuật chăm sóc lợn, anh Trần Chí Đông tự tin đầu tư xây dựng 2.000m vuông chuồng trại, nhập lợn giống từ Mỹ và Canada về nuôi.  

unnamed (1).jpg

Quy trình chăn nuôi được khép kín cùng hệ thống xử lí chất thải đạt chuẩn của anh Đông

- Giờ quy mô hơn 300 nái và hơn 1000 lợn thịt và bán giống. Như những năm trước trừ chi phi đi cũng được 500-600 triệu. Quy mô tăng mà mình quản lý tốt, chắc chắn tăng lên. Mô hình mình, rất là nhiều gia đình trong xã, trong huyện tìm hiểu. Xưa, nuôi theo quy mô nhỏ lẻ; nay theo công nghiệp nên hơn rất là nhiều - anh Đông nói: - Lợn chính tay mình chăm sóc nên yên tâm về chất lượng thịt. Còn về giống thì lại càng đảm bảo, bởi đã được lựa chọn, phân loại, được các công ty cung cấp bảo hộ. Hầu như ngày nào trang trại cũng đón tiếp người đến mua lợn giống. Cám thì gia đình tự chế theo tiêu chuẩn VietGap.

 

Chăn nuôi với số lượng lớn sẽ làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, anh Đông đã đầu tư xây dựng một hệ thống hầm bioga, cùng hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn. Tất cả là một quy trình khép kín: chuồng trại thoáng mát, có quạt gió, điều hòa, chất thải được ủ để làm khí đốt phục vụ đun nấu.

Hiện nay, mỗi tháng anh Đông cho xuất chuồng khoảng 10 tấn thịt lợn và 200 con lợn giống. Hàng năm, anh thu về từ 500 đến 1 tỷ đồng. Trang trại của gia đình anh đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 5 lao động thường xuyên ở địa phương với mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng. Anh Hà Văn Cả  là một kỹ sư chăn nuôi, kiêm bác sỹ thú y, hiện đang làm việc trong trang trại của anh Đông, cho biết:

- Nếu mà đưa ra so sánh những chỗ mình đi qua thì trang trại của anh Đông rất là quy mô, có khả năng lên 200 con lợn nái nữa  và xây thêm chuồng lợn thịt nữa. Lượng lợn như vậy có thể tạo thêm công ăn việc làm cho 6 người nữa.
 

Say sưa với trang trại, anh Đông đang dự tính tới đây sẽ đào ao thả cá, nuôi ong, ếch, vịt và trồng sưa. Anh bảo: 

- Chăn nuôi hoàn toàn có thể là mô hình xóa đói giảm nghèo ở địa phương, đặc biệt cho những người chưa có việc làm, thậm chí phù hợp với cả những người hết tuổi lao động. Chăn nuôi mình phải xác định là nghề, mình không được nản chí.

Theo VOV4

Có thể bạn quan tâm