​Thành phố Hồ Chí Minh: Doanh nghiệp chuyển đổi đầu tư sản xuất công nghiệp và thị trường

​Thành phố Hồ Chí Minh: Doanh nghiệp chuyển đổi đầu tư sản xuất công nghiệp và thị trường
Chỉ số sản xuất ngành trọng yếu tăng Báo cáo Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, trong 9 tháng năm 2018, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động ổn định, không có biến động nhiều. Đồng thời, nhờ tạo được môi trường đầu tư thuận lợi, thành phố đã thu hút thêm nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và trong nước hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, công nghiệp chế biến, chế tạo.
Sản xuất cơ khí chính xác tại Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn. Ảnh: http://www.sggp.org.vn

Sản xuất cơ khí chính xác tại Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn. Ảnh: http://www.sggp.org.vn

Cụ thể, ông Trần Trí Dũng, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính Tổng hợp, Sở Công Thương cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 9/2018 giảm 1,69% so với tháng trước nhưng tăng 12,29% so với tháng 9/2017; lũy kế 9 tháng năm 2018 tăng 7,89% (cùng kỳ tăng 7,84%); trong đó, nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,1% (cùng kỳ tăng 7,91%); còn bốn ngành công nghiệp trọng yếu tăng 8,39%, cao hơn mức tăng toàn ngành công nghiệp. Mặt khác, trong bối cảnh mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam không ngừng được cải thiện, thị hiếu tiêu dùng sản phẩm thực phẩm liên quan đến sức khỏe ngày càng được ưa chuộng và tăng cao. Do đó, những sản phẩm thực phẩm cung cấp các giá trị mới, có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, bao bì đặc trưng... đã tạo sự đột phá đối với người tiêu dùng.Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đẩy mạnh đầu tư và gia tăng sự hiện diện sản phẩm, thương hiệu tại thị trường Việt Nam. Từ đó, dần dần đáp ứng nhu cầu cao của người tiêu dùng trong việc sử dụng sản phẩm tốt hơn, cao cấp hơn đi kèm với chất lượng nổi bật và đem đến những trải nghiệm đặc biệt”, bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Lương thực Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho hay. Tương tự, ngành cơ khí có chỉ số sản xuất tiếp tục có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng chung toàn ngành do sự tăng trưởng khá cao của các ngành sản xuất thiết bị điện tăng 19,14% (cùng kỳ tăng 10,43%) và ngành sản xuất máy móc, thiết bị tăng 14,72% (cùng kỳ tăng 7,85%). Các doanh nghiệp cho biết, đạt được kết quả này là do thời gia qua các bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước nói chung và công nghiệp ôtô nói riêng. Còn được đánh giá là ngành có mức tăng tốt từ đầu năm đến nay, ngành hóa chất - cao su - nhựa có chỉ số sản xuất 9 tháng năm 2018 tăng 3,63% so với cùng kỳ; trong đó, phân ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tiếp tục có mức tăng khá 8,01%, cao hơn mức tăng cùng kỳ và cao hơn so với mức tăng của toàn ngành. Ngoài ra, ngành sản xuất hàng điện tử có chỉ số sản xuất tăng khá 18,28% (cùng kỳ tăng 41,05%) do thị trường tiêu thụ ổn định và được quan tâm đầu tư phát triển thông qua việc tiếp thu trình độ khoa học kỹ thuật cao về sử dụng công nghệ bán dẫn, công nghệ vi mạch, bo mạch điện tử... Theo các chuyên gia, doanh nghiệp trong ngành công nghiệp nói chung và bốn ngành công nghiệp trọng yếu đã và đang có sự cải thiện năng lực sản xuất tốt, chất lượng hàng hóa đạt chuẩn xuất khẩu... Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thay vì chỉ tập trung xuất khẩu như trước đây thì nay đã đầu tư phát triển thị phần trong nước, với các sản phẩm có thể cạnh tranh về chất lượng, mẫu mã so với hàng nhập khẩu từ các nước trong khu vực.Tập trung chính sách hỗ trợ hiệu quả Nhằm phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2018 (tăng 8,0% – 8,5%), ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị này đang tham mưu UBND thành phố tổ chức các buổi làm việc, tiếp xúc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp thuộc bốn ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố. Song song đó, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu sản phẩm công nghiệp – công nghiệp hỗ trợ thông qua các hoạt động như vận hành Cổng thông tin cơ sở dữ liệu công nghiệp – công nghiệp hỗ trợ của thành phố, tạo kênh kết nối và quảng bá cho doanh nghiệp... Đặc biệt, thực hiện đề án mở rộng Trung tâm trưng bày sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; thực hiện các hoạt động kết nối cung cầu sản phẩm công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ trong và ngoài nước sản phẩm công nghiệp. Ngoài ra, tập trung các giải pháp triển khai hiệu quả Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ với mục tiêu đến năm 2020, cơ bản hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ôtô, phấn đấu đáp ứng khoảng 35% (tính theo giá trị) nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước. Cụ thể, hiện Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ đang phối hợp với sở ban ngành triển khai chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố đến các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất; từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo đó, nhằm tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới phát triển bền vững, Trung tâm Phát triển Công nghiệp Hỗ trợ thành phố phối hợp các chuyên gia từ Tập đoàn Samsung, các học viên do Samsung đào tạo tại khu vực phía Nam đã đến làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Theo đó, một số doanh nghiệp đã chủ động đầu tư dây chuyền máy móc công nghệ để sản xuất sản phẩm phụ tùng linh kiện, chi tiết về ô tô... Hiện nay, đã có những doanh nghiệp đầu tư công nghệ tiên tiến nên đã tạo ra một số sản phẩm có khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô ở trong nước. Thống kê 9 tháng năm 2018, nhóm hàng công nghiệp có kim ngạch đạt 17,47 tỷ USD và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2017. Nhìn chung, các mặt hàng trong nhóm đều có kim ngạch tăng so với cùng kỳ năm 2017 như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 6,95 tỷ USD và tăng 13,9%; dệt may đạt 4,13 tỷ USD (tăng 3%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 1,65 tỷ USD (tăng 1,5%)... Ghi nhận thực tế, hoạt động kết nối cung cầu trực tiếp giữa các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam với các đối tác FDI và doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu cuối là cơ sở để tăng cường khả năng liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đầu cuối, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường. Mặt khác, để đạt được các mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu, các sở ngành đang thực hiện đánh giá năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu hiện tại, tháo gỡ nút thắt lớn cho sản phẩm xuất khẩu chủ lực Thành phố Hồ Chí Minh trên nền tảng phát triển công nghiệp và năng lực cạnh tranh. Cụ thể, việc xác định danh mục sản phẩm xuất khẩu tiêu biểu và định hướng hoạt động xuất khẩu của thành phố đang được Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương triển khai. Đồng thời, đơn vị này cũng triển khai xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2018 đến năm 2025 và Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố./. 
 Mỹ Phương
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm