Ứng dụng công nghệ 4.0 vào thương hiệu Việt

Ứng dụng công nghệ 4.0 vào thương hiệu Việt
Đây là thông tin được quan tâm tại hội thảo “Đánh thức sự khác biệt thương hiệu bằng ứng dụng công nghệ 4.0” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC)  tổ chức tại Thành phố Hồ chí Minh, ngày 6/10.
Dây chuyền sản xuất sữa tự động tại Vinamilk. Nguồn: sggp.org.vn
Dây chuyền sản xuất sữa tự động tại Vinamilk. Nguồn: sggp.org.vn
 
Khác biệt hóa trong thương hiệu
Một số báo cáo chỉ ra rằng, hành vi người tiêu dùng trong thời kì công nghệ 4.0 đã trở nên khác biệt hoàn toàn so với truyền thống nên những doanh nghiệp muốn chiếm lĩnh thị trường sẽ buộc phải thấu hiểu và nắm bắt các xu thế mới nhất, cũng như không ngừng chuyển đổi.
 
Với hạt nhân là sự phát triển của công nghệ hiện đại, khi cuộc sống con người gắn liền với internet và mạng xã hội, tiến trình công nghệ 4.0 tạo ra những khái niệm mới như xã hội số hóa, cư dân số hóa…
 
Đặc biệt, đối với những doanh nghiệp Việt nhỏ và vừa, tạo nên sự khác biệt cho thương hiệu là vấn đề sống còn và cần nhận thức đầy đủ “khác biệt hoặc là bị thâu tóm”.
 
Thế nhưng chạy theo công nghệ 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, doanh nghiệp Việt dễ bị hụt hơi và sai định hướng nên cần những giải pháp khác biệt hóa thương hiệu hội nhập bằng những ứng dụng công nghệ 4.0 phù hợp. Đồng thời, công nghệ 4.0 đòi hỏi thương hiệu phải kịp thời đổi mới sáng tạo dựa trên cơ sở nắm bắt xu hướng thị trường.
 
Trên thực tế cho thấy, thị trường biến động nếu doanh nghiệp không kịp thời triển khai số hóa thương hiệu thì dễ dàng bị đánh bật ra khỏi thị trường và đánh mất thị phần.
 
Mặt khác, nhiều câu chuyện thương hiệu Việt bị “xóa sổ”, với những tín hiệu cảnh báo sớm cho doanh nghiệp như hoạt động sản xuất kinh doanh sụt giảm, sức tiêu thụ hàng hóa kém đi, người tiêu dùng không ấn tượng sản phẩm…
 
Theo ông Nguyễn Xuân Duy - Giảng viên Digital Marketing tại Học viện quốc tế BMG, nhìn lại những phương thức mà doanh nghiệp đã sử dụng để tạo ra sự khác biệt thương hiệu.
 
Trước đây, nhiều doanh nghiệp chọn sự hỗ trợ từ truyền thông, tuy nhiên tốn rất nhiều chi phí nhưng chưa chắc hiệu quả.  Khi công nghệ thông tin phát triển, nhiều doanh nghiệp đưa thông tin lên cộng đồng mạng thì hình ảnh thương hiệu sẽ lan tỏa mang lại hiệu quả kinh doanh trở thành hiện thực ngay lập tức.
 
Đơn cử, sự thay đổi thái độ người tiêu dùng trong lĩnh vực taxi là một ví dụ. Khi  taxi công nghệ làm được rất nhiều tiêu chí tốt như giá cước rẻ hơn, xác định được cụ thể quãng đường tránh bị đi lòng vòng tăng cước, tối giản thời gian khách phải đợi chờ mà không có thông tin chi tiết, tăng chất lượng dịch vụ thì lập tức khách thay đổi sự chọn lựa qua taxi công nghệ ngay.
 
Mặc dù vậy, điều tiên quyết là chỉ khi sản phẩm có chất lượng mang tính đột phá hoặc có sự khác biệt mới gây được sự chú ý của người tiêu dùng. Hiện nay, người tiêu dùng hoàn toàn có thể mua một sản phẩm, dịch vụ tương tự, không có gì khác biệt của công ty này mà không mua của công ty khác. Đó là vì khi mua một sản phẩm hay dịch vụ, người tiêu dùng thường nhìn vào giá trị cảm nhận như tiền bạc, thời gian, năng lượng, tâm lý đủ hấp dẫn… nên cho dù sản phẩm đó không có gì khác biệt, người tiêu dùng vẫn sẽ chọn mua nó.
 
Vì vậy, nếu sản phẩm của mình không có gì khác biệt, doanh nghiệp hãy chú trọng vào nhiều khía cạnh khác chất lượng, giao hàng, thanh toán, dịch vụ, chăm sóc khách hàng, chính sách bảo hành... Bởi doanh nghiệp cần tính toán làm sao cho hiệu số của tổng giá trị mang lại cho khách hàng trừ đi tổng chi phí bỏ ra của khách hàng là cao nhất.
 
Chuyển dịch công nghệ số
Ghi nhận thực tế, vấn đề thường gặp của doanh nghiệp Việt khi muốn bước lên online, ứng dụng công nghệ số để tạo sự khác biệt thương hiệu là không có nhân lực để quản lý thực hiện, không biết bắt đầu thế nào, không biết cần đầu tư bao nhiêu… Trong đó, xu hướng và sự chuyển dịch của tiếp thị bằng công nghệ số (Digital Marketing) trong cạnh tranh và trong nền kinh tế mở đang ngày càng phát triển.
 
Cụ thể, ở lĩnh vực phân phối, từ chỉ có cửa hàng (monochannel) thì nhiều doanh nghiệp đã có cửa hàng và website (multichannel). Tiếp theo, doanh nghiệp tiến tới bên cạnh cửa hàng và website phải thêm ứng dụng di động, hợp tác kinh doanh (Omnichannel) và hiện nay là tư duy lấy khách hàng làm gốc với các giải pháp đáp ứng “có mọi thứ, mọi nơi, đúng lúc, đúng nhu cầu” (Smart Ecosystem).
 
Các chuyên gia nhấn mạnh, doanh nghiệp áp dụng công nghệ số có thể bắt đầu bằng những việc đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cho việc tạo khác biệt thương hiệu như mở cửa 24/7, xây dựng thương hiệu, kết nối tương tác với khách hàng trên online. Qua đó, khai thác tối đa từng cơ hội bán hàng, tạo nơi để khách hàng nói về sản phẩm hay chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp.
 
Ông Chu Xuân Nam - Phó giám đốc Công ty Digismart (Đại diện triển khai ứng dụng Blippar của Anh quốc tại Việt Nam) cho rằng, các ngành như mỹ phẩm, thực phẩm, nước giải khát, hàng gia dụng… là những lĩnh vực có tốc độ phát triển ứng dụng công nghệ nhanh vào quảng bá thương hiệu. Tuy nhiên, doanh nghiệp muốn tạo khác biệt thương hiệu, tối ưu chi phí thì phải chủ động hội nhập ngay được với nền tảng công nghệ 4.0 trên nền tảng những gì mình đang có.
 
Còn để giải quyết bài toán bao bì trong cuộc chiến cạnh tranh thương hiệu, doanh nghiệp cần đầu tư ứng dụng các công cụ thu thập thông tin, dữ liệu khách hàng để đáp ứng cho nhu cầu định hướng chiến lược tiếp thị. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể tiết kiệm nhờ tích hợp được các kênh truyền thông lại với nhau, tiếp cận đúng khách hàng mục tiêu, đáp ứng được thị hiếu mới lạ và độc đáo qua trải nghiệm quảng cáo thú vị.
 
Với tính năng số hóa thay thế các quảng cáo in ấn và bao bì theo phương thức truyền thống nhàm chán, sẽ mang đến những trải nghiệm mới lạ, hấp dẫn hơn khi được tích hợp các ứng dụng công nghệ 4.0 có thể được xem như một kênh truyền thông mới cho thương hiệu. Đồng thời, cho thấy những hiệu quả tương tác với người tiêu dùng ngay tại thời điểm ra quyết định mua hàng. Hay có thể kết nối các kênh truyền thông với nhau giúp tiết kiệm được phần lớn chi phí quảng cáo đa kênh mà vẫn đảm bảo người tiêu dùng có những trải nghiệm đầy đủ về thương hiệu.
 
Song song với việc truyền thông sản phẩm, các câu chuyện thương hiệu với những thông điệp thể hiện văn hóa, nhân văn, cá nhân hóa… sẽ mang thương hiệu của doanh nghiệp đến với người tiêu dùng. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay của doanh nghiệp Việt chưa đủ tiềm lực để đón đầu cách mạng 4.0./.
 Mỹ Phương
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm