Thói quen đọc sách góp phần hình thành nhân cách cho học sinh

Thói quen đọc sách góp phần hình thành nhân cách cho học sinh
Buổi tọa đàm đã thu hút hơn 180 đại biểu là đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, Sở, Ngành trung ương và thành phố, cùng các chuyên gia tâm lý, giáo dục, các thầy cô giáo, phụ huynh và các em học sinh với hơn 20 tham luận đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau, qua những câu chuyện thực tế, sinh động của bản thân đều khẳng định sách thực sự có tác động mạnh mẽ, tích cực đến việc hình thành tri thức và nhân cách của học sinh.
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Toàn cảnh buổi tọa đàm

Em Lê Nguyễn Vân Anh, học sinh lớp 5 trường Tiểu học Trịnh Thị Trinh, Quận 10 chia sẻ câu chuyện “Chắp cánh ước mơ” trong cuốn sách Hạt giống tâm hồn đã cho em bài học về sự coi trọng cuộc sống, phải biết trân trọng những gì mình đang có. Từ đó, giúp em đã thay đổi bản thân, bao dung với mọi người hơn, biết giúp đỡ và chia sẻ với mọi người, biết nhận lỗi và nghe lời ba mẹ, thầy cô…

Em Cao Thanh Hiếu, học sinh lớp 9 trường THCS Nguyễn Du, (quận Gò Vấp) cho biết: “Thói quen đọc sách đã giúp em có được kiến thức để học tốt hơn, nói năng lưu loát, giao tiếp tốt, giúp em hiểu và phân biệt những điều tốt, xấu xung quanh em”…
Em Lê Nguyễn Vân Anh, học sinh lớp 5 trường Tiểu học Trịnh Thị Trinh, Quận 10, TP.HCM trình bày tham luận tại tọa đàm
Em Lê Nguyễn Vân Anh, học sinh lớp 5 trường Tiểu học Trịnh Thị Trinh, Quận 10, TP.HCM trình bày tham luận tại tọa đàm

Là một giáo viên dạy lớp 5 với 25 năm làm công tác chủ nhiệm lớp, mỗi năm đều đón nhận những học sinh khác nhau về hoàn cảnh, tâm lý lứa tuổi, về năng lực học tập, cô Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, giáo viên trường Tiểu học Triệu Thị Trinh (Quận 10) luôn trăn trở với câu hỏi làm thế nào để góp phần hình thành nhân cách cho học sinh. Đối với cô, sách không chỉ giúp lưu trữ thông tin, cung cấp tri thức mà còn là phương tiện để giáo viên và học sinh kết nối, giao tiếp và chia sẻ, đồng cảm với nhau.
Cô Đỗ Hoàng Mai, giáo viên trường Tiểu học Trần Văn Ơn, Quận 11, TP.HCM trình bày tham luận tại tọa đàm
Cô Đỗ Hoàng Mai, giáo viên trường Tiểu học Trần Văn Ơn, Quận 11, TP.HCM trình bày tham luận tại tọa đàm

Tham gia thảo luận, cô Đỗ Hoàng Mai, giáo viên trường Tiểu học Trần Văn Ơn (Quận 11) khẳng định “Học trò tôi lớn lên cùng sách”, bởi sách giúp học sinh của cô viết văn sáng tạo, nói năng lưu loát, có ý thức tự học cao, lớp học ngày càng ít rác hơn và cô cũng không còn phải xử phạt những xung đột, cãi vã của học sinh trong giờ ra chơi nữa.

Với những tác dụng nổi bật như vậy, hầu hết ý kiến từ các tham luận cũng cho thấy sự cần thiết phải xây dựng tiết đọc sách trong khung giờ chính thức của nhà trường, để hình thành và duy trì thói quen đọc sách, góp phần phát triển văn hóa đọc trong gia đình, nhà trường và cộng đồng.
Các đại biểu tìm hiểu sách tại gian hàng của Nhà xuất bản Trẻ
Các đại biểu tìm hiểu sách tại gian hàng của Nhà xuất bản Trẻ

Tiết đọc sách là tiết học duy nhất trong nhà trường có thể giúp học sinh phát triển tất cả các yếu tố về nhu cầu, hứng thú đọc, kỹ năng đọc, thói quen đọc và thái độ ứng xử với tài liệu, là nền tảng để học sinh trở thành người đọc độc lập. Tuy nhiên thực tế hiện nay vẫn còn nhiều trường chưa quan tâm nhiều đến tiết đọc sách, thậm chí không tổ chức tiết đọc sách trong nhà trường. Chính vì vậy, các cấp lãnh đạo cần có chỉ đạo chung để có thể đưa tiết đọc sách vào thời khóa biểu chính khóa của tất cả các trường, đồng thời quan tâm tổ chức các buổi tập huấn bồi dưỡng cho giáo viên nghiệp vụ tổ chức tiết đọc sách để nâng cao chất lượng và hiệu quả tiết đọc sách trong nhà trường”, cô Trần Thị Ánh Ngọc, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Võ Trường Toản (Quận 10), chia sẻ.
Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam phát biểu tại tọa đàm
Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam phát biểu tại tọa đàm

Theo ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Ngành xuất bản trong những năm gần đây đã có sự chuyển mình tích cực, nhiều xuất bản phẩm được cho ra đời với sự đầu tư công phu, không chỉ về chất lượng nội dung, tư tưởng, học thuật mà cả về hình thức, kỹ-mỹ thuật sách. Đặc biệt ngày càng có nhiều các dòng sách phong phú về nội dung, đa dạng về đề tài, góp phần phát triển tri thức, giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống… cho trẻ em, học sinh. 
Việc hình thành và phát triển thói quen đọc sách cho học sinh trong nhà trường xét cho cùng cũng chính là góp phần thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 bởi lẽ chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng đến việc hình thành và phát triển cho học sinh 5 phẩm chất chú yếu và 10 năng lực cốt lõi", ông Lê Hoàng chia sẻ.
Các em học sinh tại khu vực trưng bày những Top 30 tựa sách hay dành cho thiếu nhi năm 2019
Các em học sinh tại khu vực trưng bày những Top 30 tựa sách hay dành cho thiếu nhi năm 2019
Tại cuộc tọa đàm, các nhà xuất bản, công ty sách cũng đã giới thiệu danh mục và trưng bày trên 500 bộ, tựa sách có nội dung gắn với chủ đề tọa đàm. Thời gian tới, Hội Xuất bản Việt Nam, Sở GD&ĐT và Thành đoàn TP.HCM sẽ phối hợp, tăng cường đẩy mạnh các giải pháp xây dựng thói quen đọc sách cho đội viên, học sinh trên địa bàn toàn thành phố.
Bài và ảnh: Thu Hương (Báo ảnh DT&MN/TTXVN)
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm