Tháo gỡ vướng mắc về chính sách lao động cho doanh nghiệp

Tháo gỡ vướng mắc về chính sách lao động cho doanh nghiệp
Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các phòng ban chuyên môn đã tập trung giải đáp, tháo gỡ nhiều câu hỏi của doanh nghiệp xoay quanh chính sách lao động, tiền lương, bảo hiểm thất nghiệp, các quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam…
Lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp. Ảnh: Xuân Anh – TTXVN
Lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp. Ảnh: Xuân Anh – TTXVN
Đại diện Công ty may mặc CD đặt câu hỏi, doanh nghiệp nào được Nhà nước công nhận là doanh nghiệp vừa và nhỏ và nếu được công nhận là doanh nghiệp vừa và nhỏ thì được Nhà nước hỗ trợ những gì?
 
Trả lời nội dung này, ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa  quy định, doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa, có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân không quá 200 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí sau: Tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng.
 
Theo ông Sơn, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng nêu rõ doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn, giảm chi phí tham gia các khóa đào tạo có sử dụng ngân sách nhà nước về khởi sự kinh doanh và quản trị doanh nghiệp, đào tạo nghề cho lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, học viên của doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc địa bàn kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, doanh nghiệp nhỏ vừa do nữ làm chủ thì được miễn phí tham gia khóa đào tạo. Doanh nghiệp nhỏ và vừa khi cử lao động tham gia khóa đào tạo trình độ sơ cấp hoặc chương trình đào tạo dưới 3 tháng thì được miễn chi phí đào tạo.
 
Đại diện Công ty Giải pháp mạng mềm nêu vấn đề, trường hợp người lao động có 2 hợp đồng lao động với hai đơn vị khác nhau thì bảo hiểm y tế đóng theo hợp đồng làm việc nào? Nếu người lao động đã có hợp đồng lao động và tham gia bảo hiểm ở đơn vị khác thì doanh nghiệp thứ hai ký hợp đồng lao động có phải chi trả tiền bảo hiểm xã hội vào lương cho người lao động hay không?
 
Về vấn đề này, ông Nguyễn Tất Năm, Trưởng phòng Lao động, Tiền lương, Bảo hiểm xã hội - Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, trường hợp người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thêm một hoặc nhiều hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên thì đóng bảo hiểm y tế theo hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất. Trong trường hợp, người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội ở một đơn vị khác thì doanh nghiệp ký hợp đồng lao động sau không phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động đó nhưng phải chi trả số tiền tương đương vào kỳ trả lương hàng tháng cho người lao động.
 
Một vấn đề khác được nhiều doanh nghiệp quan tâm đó là quy định về đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động từ đủ 1 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.
 
Đối với người lao động là công dân nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó 1 năm thì được miễn giấy phép lao động và không thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Ngoài ra, theo Thông tư 35/2016- TT/BCT của Bộ Công Thương, lao động là người nước ngoài di chuyển nội bộ thuộc 11 ngành nghề dịch vụ trong biểu cam kết về dịch vụ của Việt Nam với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng không thuộc diện cấp giấy phép lao động, do đó không phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
 
Bên cạnh việc trả lời các vướng mắc của doanh nghiệp tại hội nghị đối thoại, lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cũng ghi nhận những ý kiến phản ánh bất cập trong việc thực thi chính sách thời gian qua để kịp thời điều chỉnh, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động trong việc thực hiện các quy định về lao động, việc làm./.
Xuân Anh
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm