Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nghiêm chỉ đạo không tập trung đông người nơi công cộng để phòng, chống dịch COVID-19

Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nghiêm chỉ đạo không tập trung đông người nơi công cộng để phòng, chống dịch COVID-19
Nhiều nhà hàng, quán nhậu tạm ngừng hoạt động
Ngay sau khi có chỉ đạo của UBND Thành phố Hồ Chí Minh vào chiều 24/3, nhiều phường đã cử cán bộ đi vận động, kiểm tra việc thực hiện công văn trên. Nhiều nơi như tại Phường 11, quận Tân Bình, chính quyền đã vận động các hộ kinh doanh ký cam kết tạm ngừng hoạt động từ 18 giờ ngày 24/3. Ghi nhận vào chiều và tối 25/3, các cơ sở kinh doanh trên địa bàn phường này, nhiều khu vực trung tâm khác như đường Lê Quý Đôn (Quận 3), đường Vĩnh Khánh (Quận 4), đường Bùi Viện (Quận 1)...tất cả nhà hàng đã tạm đóng cửa. Nhiều cửa hàng kinh doanh cà phê, nước giải khát cũng chuyển sang hình thức bán đồ mang đi chứ không phục vụ tại quán. 
Đường sách TP.HCM tạm dừng hoạt động từ 18h ngày 24/3/2020 cho đến khi có thông báo mới
Đường sách TP.HCM tạm dừng hoạt động từ 18h ngày 24/3/2020 cho đến khi có thông báo mới
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ đạo của thành phố thể hiện tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Ban Quản lý an toàn thực phẩm đã hướng dẫn 24 quận, huyện tức là ở đây tất cả các cơ sở dịch vụ ăn uống bao gồm quán ăn, nhà hàng, thức ăn đường phố, quầy hàng, thậm chí căng tin của cơ quan, bệnh viện phải tuân thủ không phục vụ quá 30 thực khách trong cùng thời điểm nhằm hạn chế tụ tập đông người.
 
Bà Lan cho biết: "Thời hạn hiệu lực rất gấp nhưng sơ bộ chúng tôi nhận thấy đa số các đơn vị trên địa bàn chấp hành vì người dân đã nâng cao ý thức bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng trong phòng chống dịch. Để công tác này được triển khai hiệu quả thì bên cạnh vai trò các chủ cơ sở, đơn vị quận, huyện, cơ quan giám sát như đội an toàn thực phẩm, đội quản lý thị trường, công an...thì ý thức của bản thân người dân mới là yếu tố quan trọng”. 

Để đảm bảo thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND Thành phố, Công an thành phố yêu cầu, Công an các quận, huyện nắm tình hình, kiểm tra thực hiện việc tạm ngưng hoạt động loại hình rạp chiếu phim, massage, karaoke, quán bar, vũ trường, beer club…để tham mưu các ban, ngành chính quyền địa phương xử lý trường hợp vi phạm.

Tính đến ngày 24/3, Công an thành phố đã phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra 17 cơ sở karaoke, phòng thu âm, 11 cơ sở massage, 9 tiệm internet, 1 phòng tập gym, 2 điểm trông trẻ, 1 spa, 2 trung tâm ngoại ngữ, 91 cơ sở kinh doanh. Qua kiểm tra đã nhắc nhở 1 cơ sở kinh doanh karaoke vi phạm hoạt động, yêu cầu chấp hành tốt thông báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố. 

Công an cũng phối hợp với cơ quan chức năng nắm chắc những địa điểm, khách sạn, cơ sở lưu trú… được trưng dụng làm nơi cách ly tập trung để triển khai công tác đảm bảo an ninh, trật tự. Bên cạnh đó tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương nhắc nhở, kiểm soát việc tuân thủ chỉ đạo của lãnh đạo thành phố về việc tạm ngưng hoạt động hội nghị, họp, tổ chức lễ hội đông người.
 
Theo Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh, các trường hợp không tuân thủ cách ly bắt buộc thực hiện phòng chống dịch thì sẽ áp dụng chế tài xử phạt theo Điều 11 của Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Trong đó, đối với hành vi không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch có thể bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng.
 
Các tổ chức tôn giáo tích cực tham gia phòng, chống dịch
Từ thực tế có một số trường hợp ở Việt Nam lây bệnh khi tham dự các sự kiện tôn giáo cho thấy, việc tập trung hành lễ đông người dẫn đến nguy cơ cao lây lan dịch bệnh, gây khó khăn cho công tác kiểm soát, ngăn chặn. Ghi nhận tại Thành phố Hồ Chí Minh, các tổ chức tôn giáo, người có đạo trên địa bàn thành phố đã và đang nỗ lực cùng chính quyền và nhân dân tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19 bằng những việc làm thiết thực. 

Theo ông Trà Quang Thanh, Vụ trưởng Vụ Công tác Tôn giáo phía Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ, thời gian qua, các tổ chức tôn giáo, người có đạo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Ban Tôn giáo Chính phủ, tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ, quy định, hướng dẫn của cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
 
Cụ thể, ngay từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh đã có những hướng dẫn cụ thể cho hoạt động thờ phụng tại các chùa, tự viện; hủy hoặc giảm quy mô tổ chức sự kiện tôn giáo Phật giáo. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 với số người mắc gia tăng tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 17/3, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã ra thông báo tạm dừng tất cả các buổi thuyết giảng của Ban Hoằng pháp trên địa bàn thành phố; yêu cầu Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các quận, huyện dừng lễ hội, khóa tu tập trung đông người. Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng quyết định tổ chức dạy, học online cho học viên từ ngày 16/3.
 
Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định ngưng tất cả các lớp giáo lý trên địa bàn Tổng Giáo phận, kể từ ngày 15/3. Ngày 20/3, Đức Tổng Giám mục Joseph Nguyễn Năng đã đưa ra hướng dẫn mục vụ mùa COVID-19, kêu gọi các Linh mục, cha xứ, giáo dân trong Tổng giáo phận chứng tỏ tinh thần trách nhiệm cao để cùng với cộng đồng xã hội phòng chống sự lây lan của dịch bệnh. Hướng dẫn mục vụ mùa COVID-19 đưa ra những chỉ dẫn cụ thể cho các giáo xứ, đồng bào Côn giáo về phương thức hành lễ, sinh hoạt tôn giáo phù hợp với tình hình thực tế để đảm bảo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch như yêu cầu: Tạm ngưng tất cả sinh hoạt gồm các lớp giáo lý, lễ mừng, hành hương, dâng hoa…; tất cả mọi người phải đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, đặc biệt trong buổi đọc kinh và cử hành phụng vụ. 

Trước đó, Ban Tôn giáo Chính phủ đã đề nghị, lãnh đạo giáo hội hướng dẫn các tổ chức tôn giáo và cơ sở thờ tự không tổ chức hoạt động tập trung đông người; dừng tổ chức các đại hội, hội nghị, lễ hội tôn giáo thường niên theo hiến chương, điều lệ. Không cử người tham gia hoạt động tôn giáo ở nước ngoài; không đón tiếp các chức sắc đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch cho đến khi dịch bệnh được ngăn chặn, đẩy lùi; có cách thức sinh hoạt tôn giáo phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh ở địa phương và biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Cùng với đó là tăng cường hình thức sinh hoạt tôn giáo, giảng lễ, thuyết pháp trực tuyến qua internet, tránh tập trung đông người./.
 Thành Chung - Xuân Khu
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm