Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường chống lạm thu trong trường học

Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường chống lạm thu trong trường học
Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, UBND các quận, huyện sẽ thành lập nhiều đoàn kiểm tra tình hình thu chi đầu năm học tại các cơ sở giáo dục trực thuộc để kịp thời chấn chỉnh tình trạng thu không đúng quy định và có hình thức xử lý nghiêm, kịp thời.
Cô và trò Trường Tiểu học Lương Định Của, Quận 3 cùng sinh hoạt lớp trong ngày đầu tiên của năm học. Ảnh: Thu Hoài – TTXVN
Cô và trò Trường Tiểu học Lương Định Của, Quận 3 cùng sinh hoạt lớp trong ngày đầu tiên của năm học. Ảnh: Thu Hoài – TTXVN
  
Riêng kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, các đơn vị thực hiện theo quy định tại thông tư 55 năm 2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học, gia đình người học các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện hoặc không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban.

Việc thu, chi kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh phải đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ; sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp và các cuộc họp toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường.
  
Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục chỉ được thu các khoản thu theo quy định đã được hướng dẫn, không trực tiếp thu kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh; đồng thời, giãn các khoản thu, không thu gộp nhiều khoản thu vào đầu năm học để tránh gây áp lực cho phụ huynh.

Ngoài các khoản thu theo quy định, các cơ sở giáo dục không được thu hoặc đề nghị Ban đại diện cha mẹ học sinh thu các khoản khác từ người học, cha mẹ học sinh dưới bất kỳ hình thức nào; không tùy tiện lập các loại quỹ để ép buộc học sinh, cha mẹ học sinh đóng góp dưới danh nghĩa tự nguyện.
 
Cũng theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố sẽ chính thức bắt tay vào thực hiện bộ sách giáo khoa mới ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình môn học trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
 
Ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Sở đã mời và tuyển chọn những chuyên gia, học giả, giáo viên giỏi, nhiều kinh nghiệm để tham gia xây dựng bộ sách; đồng thời, tập huấn chuyên gia, các nhóm tác giả về quan điểm viết sách theo định hướng phát triển tư duy của học sinh.

Bộ sách giáo khoa sẽ bảo đảm các quy chuẩn kiến thức, kỹ năng, bám sát khung chương trình của Bộ; bộ sách được biên soạn theo hướng tinh giản về mặt kiến thức, hiện đại và có tính ứng dụng cao. Qua đó, khắc phục nhược điểm của các bộ sách trước đó như nặng tính hàn lâm, xa rời thực tiễn.
 
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết, sau khi Hội đồng thẩm định quốc gia phê duyệt bộ sách được giảng dạy trong trường phổ thông, Sở không áp đặt các trường phải sử dụng bộ sách của thành phố hay một bộ sách nào. Căn cứ vào mục tiêu giáo dục và điều kiện thực tế, mỗi trường sẽ quyết định sử dụng bộ sách nào có lợi cho học sinh.
 
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, từ Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản đồng ý cho Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố phối hợp Nhà Xuất bản giáo dục Việt Nam biên soạn bộ sách giáo khoa./.
  Thu Hoài
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm