Thành phố Hồ Chí Minh nâng “chất” cho hợp tác xã

Thành phố Hồ Chí Minh nâng “chất” cho hợp tác xã
 “Vươn” ra thị trường
Cách đây gần 20 năm, HTX Thương mại - dịch vụ - sản xuất - chăn nuôi Bò sữa Tân Thông Hội (huyện Củ Chi) được thành lập với quy mô 20 xã viên và chỉ có một trạm thu mua sữa tươi cho một công ty. Đến nay, quy mô này đã mở rộng lên gấp nhiều lần với khoảng 300 xã viên. 

Hiện HTX có 4 trạm thu mua và một số trạm vệ tinh khác để tổ chức tiêu thụ sữa bò tươi cho các thành viên và hộ nông dân, với quy mô 7.500 con bò và sản lượng cung ứng khoảng 9.600 tấn sữa/năm, doanh thu hàng năm trên 123 tỷ đồng. 

Theo ông Nguyễn Minh Khánh, Giám đốc Hợp tác xã Thương mại – dịch vụ - sản xuất chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội, sự thành công của hợp tác xã này là nhờ xây dựng được quy trình khép kín từ khâu sản xuất, chế biến cho đến việc đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ, mang lại hiệu quả cao cho người nông dân. 
Nhiều hộ nông dân Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh) phát triển đàn bò sữa quy mô trang trại
Nhiều hộ nông dân Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh) phát triển đàn bò sữa quy mô trang trại

Cụ thể, thông qua việc ký kết, đàm phán với các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, HTX có thể cung ứng thức ăn chăn nuôi cho nông dân với giá thành thấp hơn 1.000-2.000 đồng/kg so với giá thị trường, giúp giảm chi phí đầu vào cho xã viên. Về đầu ra, HTX cũng thu mua giá sữa bình quân từ 11.000-12.000 đồng/kg cho thành viên hợp tác xã, luôn cao hơn so với giá thị trường. Đồng thời, xây dựng và đưa vào vận hành phòng thí nghiệm kiểm tra chất lượng sữa với các loại máy móc, thiết bị sử dụng phương pháp phân tích theo các chỉ tiêu về vi sinh, lý hóa… 

Nhờ chất lượng sữa đạt chuẩn cao mà HTX luôn có lượng khách hàng khá ổn định, như Công ty cổ phần Lothamilk (Long Thành), Công ty cổ phần Thực phẩm CMT (Bông Milk), Công ty cổ phần TM và Vận tải Liên Kết (Healthy milk), Công ty TNHH Thực phẩm Ánh Hồng… 

Đáng chú ý, mới đây, HTX Bò sữa Tân Thông Hội đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sữa và đưa ra thị trường sản phẩm mang thương hiệu “Sữa bò tươi Củ Chi – Cu Chi Milk”, cùng một số sản phẩm làm từ sữa như sữa chua, sữa thanh trùng, sữa chua uống và sắp tới là cho ra sản phẩm sữa tiệt trùng hộp giấy. 

“Mặc dù chỉ mới là giai đoạn đầu, nhưng qua khảo sát, sản phẩm sữa bò tươi Củ Chi đã nhận được nhiều tín hiệu tích cực từ người tiêu dùng Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực lân cận. Quan trọng hơn, nhờ việc xây dựng mô hình sản xuất khép kín như trên, lợi nhuận của các xã viên tăng lên khoảng 30% so với những hộ không tham gia hợp tác xã. Đây được xem là điểm nhấn quan trọng trong kế hoạch phát triển HTX này trong thời gian tới”, ông Khánh chia sẻ. 

Cũng với mô hình sản xuất khép kín như trên, HTX Chăn nuôi lợn an toàn Tiên Phong ở Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai chiến lược thâm nhập thị trường bán lẻ, đưa sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng, nhằm nâng cao giá trị gia tăng, tăng thu nhập cho xã viên. 

Theo ông Trầm Quốc Thắng, Giám đốc HTX Chăn nuôi lợn an toàn Tiên Phong (huyện Củ Chi), hiện các xã viên của HTX đã có chứng nhận chăn nuôi VietGAP. Tuy nhiên người tiêu dùng khi mua thịt của HTX chưa thể nhận biết sản phẩm an toàn do hạn chế về bao bì. Do vậy, sắp tới, HTX sẽ đứng ra thu mua lợn của xã viên và tổ chức giết mổ tại lò mổ đạt chuẩn. Sau đó, phân phối thịt đóng gói cho các điểm bán hàng tiện lợi, thị trường chợ truyền thống, khu công nghiệp chế xuất… với giá cả theo chương trình bình ổn của thành phố. 

Đặc biệt, để đảm bảo chiến lược kinh doanh trên được thực hiện hiệu quả, HTX Tiên Phong đã quyết định thành lập một công ty cổ phần có tên là Pig & Health, chuyên phục vụ đầu ra, thị trường cho HTX. Không chỉ mở rộng sang kênh thị trường bán lẻ, HTX này còn có kế hoạch mở rộng quy mô hợp tác xã, tạo chuỗi giá trị lớn mạnh để có sự đối trọng với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn. 

Thúc đẩy HTX kiểu mới phát triển 
Hợp tác xã Tân Thông Hội và Tiên Phong là 2 trong số 7 mô hình hợp tác xã tiên tiến, hiện đại được UBND Thành phố Hồ Chí Minh lựa chọn để xây dựng thí điểm. Các HTX còn lại là HTX Nông nghiệp - thương mại - dịch vụ Phú Lộc (Củ Chi); HTX Thương mại - dịch vụ sản xuất nông nghiệp Mai Hoa (Hóc Môn); HTX Nông nghiệp - sản xuất - thương mại - dịch vụ Phước An (Bình Chánh); HTX Hiệp Thành (Nhà Bè) và Cần Giờ có HTX Nông nghiệp - thương mại- dịch vụ - nuôi trồng thủy sản Cần Giờ. 

Với việc phát triển theo mô hình khép kín, hỗ trợ thành viên nâng cao hiệu quả sản xuất, tổ chức cung cấp các dịch vụ đầu vào, đầu ra và từng bước hình thành chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm, bộ mặt các hợp tác xã trên đã có nhiều thay đổi. 

Theo kết quả khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh, qua một năm triển khai xây dựng mô hình hợp tác xã điểm, bộ mặt các hợp tác xã đã có nhiều thay đổi, sản lượng và năng suất sản phẩm tăng lên, số lượng thành viên gia tăng, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh từng bước được cải thiện. 
Trang trại chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP của ông Nguyễn Minh Tâm xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN
Trang trại chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP của ông Nguyễn Minh Tâm xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN

Hộ nông dân tham gia vào HTX sẽ đạt hiệu quả về mặt kinh tế hơn so với hộ nông dân độc lập, không tham gia vào HTX. Bởi họ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất của HTX (thường theo chuẩn VietGap) nên chất lượng, năng suất sản phẩm đều tăng, chất lượng sản phẩm đạt chuẩn. Bên cạnh đó, các hộ sẽ được hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm ổn định, có giá bán sản phẩm thường cao hơn từ 7,4-10,2%. 

Ngoài sự chủ động, linh hoạt của bản thân các HTX này thì chính sách hỗ trợ mô hình HTX nông nghiệp tiên tiến, hiện đại của Thành phố Hồ Chí Minh đã tác động không nhỏ đến kết quả trên. 

Theo ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh, các HTX này sẽ được hỗ trợ trong việc phát triển sản xuất tạo nguồn hàng, mở rộng kênh tiêu thụ; phát triển nhà xưởng, văn phòng; trong đó xây dựng hoặc sửa chữa trụ sở làm việc, xây dựng nhà máy chế biến, nhà sơ chế… giúp từng bước nâng cao giá trị nông sản. 

Đơn cử như HTX Bò sữa Tân Thông Hội có dự án xây dựng nhà máy chế biến sữa; HTX Phú Lộc với dự án xây dựng nhà sơ chế đóng gói rau củ quả; HTX Hiệp Thành với dự án nhà đóng gói bao bì, thuần dưỡng tôm giống…. Tổng kinh phí xây dựng mô hình HTX nông nghiệp tiên tiến, hiện đại lên đến hơn 2.317 tỷ đồng./.
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm