Thành phố Hồ Chí Minh kỷ niệm 50 năm Ngày hy sinh của 32 dân công hỏa tuyến tại Vĩnh Lộc

Thành phố Hồ Chí Minh kỷ niệm 50 năm Ngày hy sinh của 32 dân công hỏa tuyến tại Vĩnh Lộc
Đến dự có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bạc Liêu; lãnh đạo Quân khu 7, Sư đoàn 9 cùng đông đảo người dân Vĩnh Lộc A và B, huyện Bình Chánh.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh thăm hỏi các dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh thăm hỏi các dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Văn Phụng, Bí thư Huyện ủy huyện Bình Chánh nhấn mạnh, sự hy sinh của 32 dân công hỏa tuyến là một mất mát lớn, nhưng trong tâm khảm người dân Bình Chánh, họ là những người con bất tử. Các anh, chị hy sinh để đảm bảo giữ chí khí chiến đấu với tinh thần “Đi đến nơi, về đến chốn, không để thương binh tổn thất dọc đường, không để vũ khí rơi vào tay giặt”.

Tấm gương anh dũng hy sinh của 32 dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc đã trở thành niềm tự hào và sống mãi trong tâm trí của thế hệ hôm nay. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bình Chánh tiếp tục phấn đấu, nỗ lực nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu đi đầu trong mọi nhiệm vụ; làm tốt công tác vận động quần chúng; thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4  gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
 

Bí thư Huyện ủy huyện Bình Chánh Nguyễn Văn Phụng phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN
Bí thư Huyện ủy huyện Bình Chánh Nguyễn Văn Phụng phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN
  
Bày tỏ niềm kính trọng các anh hùng liệt sĩ dân công hỏa tuyến đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, chị Châu Nguyễn Thanh Thảo (đoàn viên Chi đoàn Tòa án Nhân dân huyện Bình Chánh), cho biết:  Phát huy truyền thống của cha anh, tuổi trẻ huyện Bình Chánh sẽ ra sức học tập nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, tích cực trong các phong trào; đi đầu trong khởi nghiệp sáng tạo, lập thân lập nghiệp xây dựng Bình Chánh hoàn thành công cuộc xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựngThành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và huyện Bình Chánh tặng quà cho các dân công hỏa tuyến, gia đình người thân liệt sĩ dân công hỏa tuyến tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN
Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và huyện Bình Chánh tặng quà cho các dân công hỏa tuyến, gia đình người thân liệt sĩ dân công hỏa tuyến tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN
   
Cách đây 50 năm, để phục vụ tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Cấp ủy xã Vĩnh Lộc, Chi bộ ấp Tân Hòa 1, Tân Hòa 2, Thới Hòa cùng các cơ sở cách mạng nòng cốt đã tổ chức các đoàn dân công với hàng trăm nam nữ thanh niên tham gia phục vụ chiến đấu.

Khoảng 22 giờ 30 phút ngày 15/6/1968 ( tức ngày 20 tháng 5 âm lịch), đoàn dân công gần 60 người đưa thương binh vượt bưng Láng Sấu xuống Đức Hòa – Long An và tải đạn về Sài Gòn. Khi đoàn dân công qua khỏi “vùng trắng” tới đồng bưng thì bị máy bay địch phát hiện và xả đạn vào đội hình. 35 người trong đoàn đã hy sinh, trong đó có 32 dân công (gồm 25 nữ, 7 nam). Từ đó, ngày 20 tháng 5 âm lịch hàng năm trở thành ngày giỗ chung của 32 dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc./.

                                                                                                                                                                                                          Thanh Vũ

Có thể bạn quan tâm