Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 (nCoV):

Thành phố Hồ Chí Minh không còn ca nghi ngờ nhiễm

Thành phố Hồ Chí Minh không còn ca nghi ngờ nhiễm
Theo đó, tính đến ngày 14/2, địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có 3 trường hợp xác định nhiễm COVID-19, trong đó có 2 trường hợp đã khỏi bệnh và xuất viện, 1 trường hợp đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, sức khỏe  có tiến triển tốt. Trong thời gian qua, Thành phố đã có 31 trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh nhưng kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 đã loại bỏ sự nghi ngờ này. Như vậy, tính đến ngày 14/2, tại Thành phố Hồ Chí Minh không còn ca nào nghi ngờ nhiễm COVID-19. 
Bệnh viện dã chiến được xây dựng tại huyện Củ Chi, TP.HCM. Ảnh: Đinh Hằng
Bệnh viện dã chiến được xây dựng tại huyện Củ Chi, TP.HCM. Ảnh: Đinh Hằng
Thành phố cũng xác định được 44 trường hợp có tiếp xúc gần với 3 ca bệnh dương tính nhưng đã có 15 người kết thúc theo dõi (quá 14 ngày không có biểu hiện nhiễm bệnh), 18 người đang được cách ly tập trung và 11 ca cách ly tại nhà.
 
Liên quan đến việc giám sát, theo dõi các trường hợp nhập cảnh từ Trung Quốc, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đã có 51 người Trung Quốc được cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung của quận/huyện, trong đó 21 người đã hết thời gian theo dõi và hiện còn đang theo dõi 30 người.
 
8 trường hợp cách ly tại Bệnh viện bệnh lý hô hấp cấp tính đóng trên địa bàn huyện Củ Chi. Thành phố cũng giám sát 2.782 người cách ly tại nhà, cơ sở lưu trú, trong đó 1.477 người đã hết thời gian theo dõi và hiện còn đang theo dõi 1.305 người. Đáng mừng là trong tất cả các trường hợp theo dõi cách ly tại nhà, chưa có trường hợp nào có dấu hiệu bệnh.
 
Quận Bình Tân là địa bàn có số lượng người nước ngoài sinh sống và làm việc đông nhất Thành phố Hồ Chí Minh. Tính từ đầu năm đến nay, quận đã tiếp nhận và thực hiện cách ly tại nhà, cơ sở lưu trú hơn 1.000 người nước ngoài nhập cảnh.

Ông Đỗ Đình Thiện, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết, đến ngày 14/2, quận đang thực hiện cách ly, theo dõi 500 người nhập cảnh từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có dịch bệnh COVID-19 chứ không phải từ vùng dịch Vũ Hán hay Trung Quốc đại lục.

"Hiện quận Bình Tân vẫn chưa có trường hợp nào nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm COVID-19. Công tác cách ly số lượng lớn người đến từ vùng có dịch nhằm hạn chế khả năng có trường hợp nhiễm bệnh lây lan cho cộng đồng, do đó người dân hoàn toàn có thể yên tâm”, ông Đỗ Đình Thiện nhận định.
 
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai các cơ sở cách ly kiểm dịch tại cộng đồng tại các quận, huyện. Hiện đã có 13 quận, huyện đã hoàn thành khu cách ly gồm: Quận 3, Quận 4, Quận 6, Quận 7, Quận 8, Quận 9, Quận 10, Quận 12, quận Thủ Đức, quận Phú Nhuận, quận Gò Vấp, huyện Củ Chi và huyện Bình Chánh.
 
Liên quan đến tình hình khan hiếm khẩu trang y tế hiện nay, ngày 14/2, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện đã có nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tham gia sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn thay cho khẩu trang y tế đang khan hiếm.

Cụ thể, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Tổng công ty 28 hiện đang sản xuất 2,5 triệu chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn. Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác tham gia vào hoạt động này đảm bảo mỗi ngày đưa ra thị trường từ 100.000 - 200.000 chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn.

Khẩu trang vải kháng khuẩn có thể sẽ là giải pháp phòng dịch tốt hơn so với khẩu trang y tế. Loại khẩu trang này có thể sử dụng giặt được 30 lần và được chứng nhận hợp quy trong việc kháng khuẩn theo các tiêu chuẩn của Bộ Y tế”, ông Phạm Xuân Hồng chia sẻ./. 
Đinh Hằng - Xuân Anh
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm