Gặp gỡ giữa học sinh với lãnh đạo ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh:

Tạo điều kiện giúp học sinh phát triển toàn diện

Tạo điều kiện giúp học sinh phát triển toàn diện
Đó là ý kiến của nhiều học sinh nêu lên tại chương trình gặp gỡ giữa lãnh đạo ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh với học sinh tiêu biểu, diễn ra ngày 23/3 với chủ đề "Học sinh thành phố phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ".
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, trao đổi với các em học sinh tại chương trình. Ảnh: Thu Hoài - TTXVN
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, trao đổi với các em học sinh tại chương trình. Ảnh: Thu Hoài - TTXVN
Chia sẻ tại chương trình, em Hoàng Hạnh Nhi, Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa (Quận 1) cho rằng, để học sinh phát triển toàn diện cần giảm áp lực học tập, cần điều chỉnh cân bằng giữa các yếu tố đức - trí - thể - mỹ. Đặc biệt, không nên áp đặt tất cả học sinh phải học tốt hết tất cả các môn để được bảng điểm “đẹp” mà nên để các em lựa chọn môn học tùy theo thế mạnh. Tình trạng quá tải trong học tập cũng khiến học sinh ít có điều kiện tham gia các hoạt động bổ ích khác, là một cán bộ Đoàn, em Hải Phượng, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn) nêu ý kiến: Nhiều bạn học sinh hiện rất ít quan tâm đến các hoạt động phong trào; một phần nguyên nhân là do việc học quá nặng, ngoài học ở trường còn phải học thêm nên thời gian cho các hoạt động khác như hoạt động phong trào bị hạn chế. Vì vậy, cùng với việc giảm tải học tập, em mong thầy cô quan tâm tạo ra nhiều sân chơi lành mạnh, bổ ích và có cơ chế khuyến khích học sinh tham gia các hoạt động xã hội. Còn em Phạm Song Toàn, Trường Trung học phổ thông Long Thới (huyện Nhà Bè) mong muốn lãnh đạo thành phố quan tâm đầu tư cho phát triển khu vực ngoại thành, thu hẹp khoảng cách với khu vực nội thành, tạo điều kiện cho học sinh ngoại thành tiếp cận các hoạt động vui chơi giải trí, thể dục thể thao tốt hơn. Bên cạnh đó, các em học sinh cũng mong muốn chương trình giáo dục kỹ năng cần được thực hiện bài bản, hiệu quả hơn, nhất là vấn đề giáo dục giới tính. Theo các em, việc giáo dục kỹ năng hiện nay vẫn còn mang tính hình thức chưa thực sự hiệu quả, đồng thời nội dung giáo dục chưa cũng chưa đa dạng và cập nhật vấn đề mới phát sinh hiện nay để học sinh có thể vận dụng và ứng phó trước tình huống trong đời sống. Các em cũng mong muốn, bên cạnh việc truyền đạt kiến thức trên lớp, thầy cô dành thêm sự quan tâm, chia sẻ, gần gũi với học sinh để giúp các em định hướng học tập cũng như giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.
Em Phạm Song Toàn, trường Trung học phổ thông Long Thới (huyện Nhà Bè), chia sẻ tại chương trình. Ảnh: Thu Hoài - TTXVN
Em Phạm Song Toàn, trường Trung học phổ thông Long Thới (huyện Nhà Bè), chia sẻ tại chương trình. Ảnh: Thu Hoài - TTXVN
Ghi nhận những ý kiến chia sẻ của các học sinh, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố cùng với các ngành chức năng sẽ tiếp tục phối hợp triển khai các giải pháp xây dựng, cải thiện môi trường học tập ngày càng tốt hơn, đồng thời tăng cường các hoạt động thể dục thể thao, vui chơi giải trí, giáo dục kỹ năng giúp học sinh phát triển toàn diện./.
Thu Hoài
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm