Tăng cường kết nối và giảm chi phí logistic trong vận tải

Tăng cường kết nối và giảm chi phí logistic trong vận tải
Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, hệ thống hạ tầng giao thông hiện chưa đồng bộ. Tính kết nối còn hạn chế, đặc biệt là kết nối các trung tâm sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, các vùng nguyên liệu, vật liệu với cảng biển, cảng hàng không, cảng đường thủy nội địa thông qua hệ thống đường bộ và đường sắt. Song song đó, cơ sở hạ tầng hệ thống dịch vụ hỗ trợ vận tải còn thiếu, manh mún, thiếu tính kết nối. Đặc biệt là việc thiếu những cảng cạn, trung tâm logistic có quy mô và vị trí thuận tiện tại mỗi khu vực kinh tế trọng điểm để làm đầu mối trung chuyển phân phối hàng hóa đã ảnh hưởng đến việc tối ưu hóa hoạt động vận tải, đặc biệt là vận tải đa phương thức.
Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN
Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN
 
Trong khi đó, nguồn lực để đầu tư còn rất hạn chế, nhiều doanh nghiệp kinh doanh cảng biển thu không đủ bù chi nên không có nguồn lực để tái đầu tư, hiện đại hoá công nghệ, nâng cấp hệ thống quản trị”, ông Nguyễn Văn Công cho hay.
 
Để xoá bỏ rào cản đối với hoạt động vận tải này, Cục Hàng hải Việt Nam đề xuất sửa đổi dự thảo Thông tư ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt cảng biển tại Việt Nam thay thế Quyết định 3863/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải ngày 1/12/2016 về việc ban hành biểu khung giá dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam, đang được xây dựng theo hai phương án.
 
Cụ thể, phương án 1 giá dịch vụ sẽ điều chỉnh theo hướng khung giá dịch vụ cầu bến, phao neo đối với khách du lịch tối thiểu là 2,5 USD/người/lượt, tối đa là 5 USD/người/lượt. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất khu vực I tăng khoảng 10% so với khung giá hiện hành, từ 30 USD/cont20’, 45 USD/cont40’ lên 33 USD/cont20’ và 55 USD/cont40’.

Riêng khung giá dịch vụ bốc dỡ container xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giảm 50% so với khung giá ở dịch vụ tương tự ở khu vực III. Các nội dung khác giữ nguyên như quy định hiện hành.
 
Phương án 2, giá dịch vụ được điều chỉnh theo hướng tiếp cận dần với mức giá chung của khu vực và thế giới. Cụ thể, khung giá dịch vụ cầu bến, phao neo đối với khách du lịch tối thiểu là 5 USD/người/lượt, tối đa là 15 USD/người/lượt. Khung giá dịch vụ bốc dỡ container xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất khu vực 1 tăng bằng giá khu vực 3, áp dụng theo lộ trình: năm 2019 là 33 USD/cont20' và 50 USD/cont40’ (tăng 10%), năm 2019 là 37 USD/cont20’ và 56 USD/cont40’ (tăng 20%), năm 2030 là 41 USD/cont20’ và 62 USD/cont40’ (tăng 30%).
 
Liên quan đến mức giá cảng biển Việt Nam, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, việc điều chỉnh khung giá dịch vụ tại cảng biển sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp cảng biển trong việc có thêm nguồn lực tái đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, hiện đại hoá công nghệ, mở rộng kết nối. Đồng thời, mức giá thành dịch vụ tại từng cảng biển không tương đồng, mức khung giá một số dịch vụ được xây dựng từ năm 2013-2014 không còn phù hợp. Trong đó, khung giá xếp dỡ container, giá dịch vụ hành khách đối với tàu khách tại các cảng biển Việt Nam ở mức rất thấp so với khu vực.
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam trình bày ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam trình bày ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN
 
Chẳng hạn, giá dịch vụ xếp dỡ container tại khu vực cảng Đà Nẵng khoảng 45 USD/cont20’/1 lần xếp dỡ, Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 41 USD/cont20’/1 lần xếp dỡ trong khi ở Campuchia hiện tại là 65 USD/cont20’/1 lần xếp dỡ, Malaysia là 52 USD/cont20’/1 lần xếp dỡ, Hongkong (Trung Quốc) lên tới 130 USD/cont20’/1 lần xếp dỡ.

Tương tự, mỗi hành khách khi cập cảng sẽ nộp cho cảng từ 0,9 - 1,1 USD/lượt trong khi mức giá này ở cảng biển Singapore và Nhật Bản hiện khoảng 8 USD, cảng biển tại Hongkong (Trung Quốc)  khoảng 14 USD, cao hơn hàng chục lần.
 
Sau khi lấy ý kiến các doanh nghiệp, các hiệp hội vận tải, các chuyên gia trong ngành, đại diện các cảng đều mong muốn giá dịch vụ hành khách đối với tàu khách có thể tăng thêm từ 2,5 - 15 USD theo lộ trình và đặc điểm từng khu vực cảng. Đồng thời, cũng đề nghị giữ nguyên mức khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ lai dắt cung cấp cho tàu hoạt động nội địa và nước ngoài để không gây ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của hãng tàu, không làm tăng chi phí vận tải cũng như không ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
 
Theo đánh giá của Cục Hàng Hải Việt Nam, việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ bốc dỡ container xuất nhập khẩu khoảng 10% đối với khu vực I và tại Cái Mép-Thị Vải không ảnh hưởng trực tiếp đến chủ hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam và CPI, do giá dịch vụ bốc dỡ container là cảng thu trực tiếp từ các hãng tàu.

Chỉ số CPI chỉ ảnh hưởng nếu hãng tàu nước ngoài tăng giá thu THC (phụ phí bốc dỡ container tại cảng) đối với chủ hàng Việt Nam do tác động của việc tăng giá bốc dỡ hàng hóa.
 
Mặt khác, trong những năm qua, chi phí vận chuyển và xếp dỡ hàng hóa bằng sà lan kết nối với Cái Mép đều do các hãng tàu nước ngoài chịu và không thu từ các chủ hàng. Do vậy,  việc tăng giá xếp dỡ sà lan cũng không ảnh hưởng đến chi phí của chủ hàng xuất nhập khẩu./.
  Hoàng Hải

Có thể bạn quan tâm