Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh:

Phẫu thuật lấy khối bướu hiếm gặp ở trẻ sơ sinh

Phẫu thuật lấy khối bướu hiếm gặp ở trẻ sơ sinh
Thạc sỹ, bác sỹ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, ngày 6/10 bệnh viện tiếp nhận một bé gái mới sinh được 3 giờ từ Bệnh viện Từ Dũ trong tình trạng sốt cao, bé có một khối bướu chạy dọc từ vùng cổ, nách xuống ngực, bụng.
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 cung cấp thông tin về trường hợp bệnh nhi sơ sinh có khối bướu khổng lồ. Ảnh: Phương Vy-TTXVN
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 cung cấp thông tin về trường hợp bệnh nhi sơ sinh có khối bướu khổng lồ. Ảnh: Phương Vy-TTXVN

Sau khi nhập viện, bệnh nhi tiếp tục sốt cao không hạ, khối bướu mỗi ngày một phình to hơn. Thông qua siêu âm, các bác sỹ nhận định đây là khối bướu được tạo thành do dị dạng mạch máu hỗn hợp giữa bạch huyết và tĩnh mạch.

20 ngày sau sinh, khối bướu đạt đến kích thước 15cm x 25cm x 10cm, da trên bướu phù nề, đỏ, ấn đau, nhiễm trùng, các bác sỹ buộc phải phẫu thuật để bảo toàn tính mạng cho bệnh nhi.
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 thăm khám cho bệnh nhi. Ảnh: Phương Vy-TTXVN
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 thăm khám cho bệnh nhi. Ảnh: Phương Vy-TTXVN

Đánh giá tình trạng của bệnh nhân sơ sinh này, bác sỹ Đào Trung Hiếu cho biết: Các bác sỹ đã đắn đo giữa việc có nên mổ ngay hay để chờ bệnh nhi lớn thêm chút nữa, nhưng tình thế buộc phải mổ gấp bởi trong khối bướu xuất hiện nhiều nang nhỏ và các mô bị hoại tử, do đó tình trạng nhiễm trùng ngày càng nặng, nếu không can thiệp kịp thời  bệnh nhi sẽ bị nhiễm trùng huyết và tử vong. 

Tuy nhiên, nếu phẫu thuật ngay thì có nguy cơ bệnh nhi sẽ tử vong trên bàn mổ rất cao nếu máu chảy ồ ạt không kiểm soát được. Bên cạnh đó, do bệnh nhi quá nhỏ, quá trình gây mê kéo dài khiến thân nhiệt giảm cũng rất nguy hiểm. Ngoài ra, bệnh nhi có thể bị liệt cánh tay trái bởi nguy cơ tổn thương các dây thần kinh vận động và cảm giác ở nách trong quá trình phẫu thuật.
Bệnh nhi có khối bướu khổng lồ trước khi phẫu thuật. Ảnh: Phương Vy-TTXVN
Bệnh nhi có khối bướu khổng lồ trước khi phẫu thuật.
Ảnh: Phương Vy-TTXVN

Ngày 26/10, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, các bác sỹ và gia đình đã quyết định phẫu thuật cho bệnh nhi.

Phải mất 8 giờ đồng hồ, các bác sỹ mới lấy được toàn bộ khối bướu ra khỏi cơ thể bệnh nhi. Khối bướu được lấy ra nặng 1 kg.
 
Ba ngày sau phẫu thuật, vết mổ của bệnh nhi khô, không rỉ dịch. Bệnh nhi đã được chuyển sang phòng điều trị đặc biệt.

Tuy nhiên, theo bác sỹ Hiếu, không loại trừ nguy cơ bướu có thể tái phát trong thời gian tới bởi việc vẫn còn sót một vài nang nhỏ trong quá trình phẫu thuật là có thể xảy ra.
 
Theo các chuyên gia y tế, dị dạng tĩnh mạch và bạch huyết là bệnh hiếm gặp ở trẻ sơ sinh. Đây là ca thứ 6 trên thế giới được ghi nhận có bướu dị dạng khổng lồ tương tự./.
TTXVN/Báo ảnh Dân tộc và Miền núi

Có thể bạn quan tâm