Phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong thúc đẩy bình đẳng giới

Phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong thúc đẩy bình đẳng giới
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hồng - nguyên Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong những năm qua, tổ chức Công đoàn đã và đang tổ chức nhiều hoạt động nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động nói chung, lao động nữ nói riêng. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, các cấp Công đoàn vẫn còn gặp khó khăn trong việc đảm bảo việc làm, chất lượng cuộc sống, an sinh xã hội cho người lao động. 
Nữ doanh nhân Pang Mỹ Linh (bìa phải) dạy nghề cho lao động nữ - Theo http://www.sggp.org.vn
Nữ doanh nhân Pang Mỹ Linh (bìa phải) dạy nghề cho lao động nữ - Theo http://www.sggp.org.vn
Hiện nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ đối với lao động nữ. Trong khi đó, đa số lao động nữ hiện nay có trình độ chuyên môn, tay nghề còn thấp, chưa đáp ứng với yêu cầu công việc. Lao động nữ không thực sự được ưu tiên tuyển dụng so với nam giới, có nguy cơ mất việc làm sau thai sản hoặc không có điều kiện chăm sóc con cái do phải làm thêm giờ, áp lực công việc cao.
 
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hồng, việc tổ chức hội nghị về lao động nữ và vấn đề phi chính thức hóa việc làm sẽ góp phần nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong lao động; đồng thời, khẳng định bình đẳng giới là một mục tiêu quan trọng cần hướng đến không chỉ đối với Việt Nam mà ở tất cả các nước trên thế giới, là một trong những tiêu chí đánh giá sự phát triển của một xã hội…
 
Phát biểu tại hội nghị, ông Andre Edelhoff,  Trưởng phòng Mạng lưới Bắc – Nam, Viện Đào tạo – Liên hiệp Công đoàn Đức đánh giá cao việc triển khai Dự án Lao động nữ và vấn đề phi chính thức hóa việc làm tại Việt Nam.

Cụ thể, các đơn vị tham gia dự án, đặc biệt là các cấp Công đoàn đã nỗ lực tuyên truyền, đối thoại, thương lượng, tư vấn pháp luật đã tạo ra những chuyển biến tích cực về nâng cao điều kiện làm việc, chế độ đời sống cho lao động nữ.
Lao động nữ ngành dệt may - Theo http://www.sggp.org.vn
Lao động nữ ngành dệt may - Theo http://www.sggp.org.vn
Theo ông Andre Edelhoff, sau 3 năm triển khai, đến nay dự án đã hoàn thành các mục tiêu cơ bản, góp phần cải thiện cuộc sống cho người lao động, nhất là lao động nữ; đồng thời nâng cao hình ảnh của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp.

Ngoài ra, dự án còn góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Công đoàn Việt Nam với Viện Đào tạo – Liên hiệp Công đoàn Đức và công đoàn các nước tham gia mạng lưới hợp tác Bắc – Nam.
 
Trong 13 năm qua, Viện Đào tạo – Liên hiệp Công đoàn Đức đã hỗ trợ Công đoàn Việt Nam thực hiện các dự án “Nâng cao năng lực hoạt động của cán bộ Công đoàn”, “Tăng cường vai trò Công đoàn trong việc thúc đẩy trách nhiệm xã hội doanh nghiệp”, “Lao động nữ và vấn đề phi chính thức hóa việc làm tại Việt Nam”. Mục tiêu của các dự án này là nâng cao nhận thức cho cán bộ Công đoàn, người sử dụng lao động, người lao động và đặc biệt là nữ giới trong quan hệ lao động.
 
Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu cũng thảo luận về các vấn đề như mối liên hệ đối với nữ giới và vấn đề phi chính thức hóa việc làm; tình hình lao động phi chính thức ở Việt Nam hiện nay.
Thanh Vũ
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm