Thủy đậu vào mùa:

Nhiều trẻ sơ sinh bị lây bệnh từ mẹ

Nhiều trẻ sơ sinh bị lây bệnh từ mẹ
Ghi nhận tại Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh, đến ngày 6/3 có 9 trẻ mắc thủy đậu nặng đang được điều trị. Nổi mụn nước khắp người, bé trai Nguyễn Triệu Xuân Thịnh, 5 tháng tuổi (ngụ tỉnh Đăk Lăk) ho, khóc không ngừng. Chị Triệu Thị Thu, mẹ bé Thịnh cho biết, cách đây một tháng chị mắc thủy đậu nhưng do nuôi con bằng sữa mẹ nên chị không thể cách ly khỏi bé khiến bé cũng nhiễm bệnh theo. 
Bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh thăm, khám cho bệnh nhi. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
Bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh thăm, khám cho bệnh nhi. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
Bác sỹ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, bắt đầu từ tháng 2 số lượng trẻ nhập viện do thủy đậu ngày càng tăng, trung bình từ 7-9 trẻ mỗi tuần. Đây cũng là thời điểm bắt đầu mùa dịch thủy đậu kéo dài đến hết tháng 6. Năm nay, số lượng trẻ dưới 3 tháng tuổi mắc bệnh khá nhiều và chủ yếu do lây từ mẹ, trẻ nhỏ nhất mắc thủy đậu nhập viện khi chỉ mới 9 ngày tuổi. 

Dù đang trong giai đoạn ở cữ nhưng chị Tô Minh Trang (ngụ tỉnh Long An) vẫn phải theo con vào Bệnh viện Nhi đồng 1 để điều trị thủy đậu. Trước khi sinh bé Mỹ Trúc 4 ngày, chị Trang mắc bệnh thủy đậu do lây từ nơi làm việc. 9 ngày sau sinh, bé Mỹ Trúc bắt đầu có dấu hiệu nhiễm bệnh, mọc mụn nước ở đầu, tay, chân. “Sau khi sinh xong mình liền cách ly khỏi bé nhưng con vẫn bị lây từ mình. Mình nghĩ chắc là bé bị lây bệnh từ khi còn trong bụng mẹ”, chị Trang cho hay. 
Bệnh nhi mắc bệnh thủy đậu khi mới 9 ngày tuổi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
Bệnh nhi mắc bệnh thủy đậu khi mới 9 ngày tuổi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
Theo bác sỹ Trương Hữu Khanh, nếu người mẹ bị nhiễm bệnh trong vòng năm ngày trước sinh và hai ngày sau sinh thì trẻ sơ sinh dễ bị bệnh thủy đậu lây từ mẹ sang. Tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh giai đoạn này rất cao, lên đến  25 – 30% số trường hợp bị nhiễm.

“Sai lầm lớn nhất của các bà mẹ là khi phát hiện bệnh liền cách ly con, không cho con bú nhưng thực tế bệnh đã lây từ trước đó. Khi không được bú sữa mẹ, đề kháng của trẻ càng giảm thì mức độ bệnh lại càng nặng”, bác sỹ Trương Hữu Khanh nhận định. 

Để hạn chế mắc bệnh và lây bệnh cho con, bác sỹ Trương Hữu Khanh khuyến cáo, phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ, đặc biệt là chuẩn bị mang thai cần chích ngừa vắc-xin thủy đậu đầy đủ. 
Một bệnh nhi mắc thủy đậu rất nặng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
Một bệnh nhi mắc thủy đậu rất nặng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
Còn bác sỹ Nguyễn Trần Nam, Trưởng khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, dù số lượng bệnh nhi nhập viện điều trị thủy đậu chưa nhiều nhưng số lượng bệnh nhi đến khám ngoại trú cũng đang có xu hướng tăng.

Do thủy đậu là bệnh có thể điều trị ngoại trú nên bác sỹ Nguyễn Trần Nam khuyến khích các gia đình điều trị tại nhà bởi càng nhiều trẻ nhập viện càng dễ lây nhiễm chéo cho những bệnh nhi khác đang điều trị tại bệnh viện. 

Thủy đậu là bệnh khó tránh ở cả người lớn lẫn trẻ em, trẻ mắc bệnh càng nhỏ tuổi càng nguy hiểm bởi hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Chích ngừa vắc-xin thủy đậu vẫn là biện pháp hữu hiệu mà các bác sỹ khuyến cáo người dân thực hiện, nhất là trong thời điểm dịch đã bắt đầu vào mùa./. 
Đinh Hằng
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm