Nhiều thách thức của y tế cộng đồng trong thời đại toàn cầu hóa

Nhiều thách thức của y tế cộng đồng trong thời đại toàn cầu hóa
Đó là thông tin được các đại biểu chia sẻ tại Hội nghị Khoa học Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 20 năm 2019 với chủ đề “Nghiên cứu vì sức khỏe cộng đồng: Thách thức của y tế công cộng trong thời đại toàn cầu hóa”, tổ chức ngày 6/12.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, nhìn nhận, sự lây lan mạnh của các bệnh truyền nhiễm trên thế giới hiện nay bị ảnh hưởng bởi các tác động xã hội, kinh tế và môi trường. Đơn cử, ở tác động xã hội, sự gia tăng dân số, di biến động dân cư, giao lưu đi lại nhiều đã khiến các dịch bệnh có cơ hội bùng phát và lây lan nhanh chóng. 

Nếu năm 1970 chỉ có 7 nước trên thế giới có lưu hành dịch bệnh sốt xuất huyết thì năm 2010 lên đến 100 nước và hiện nay 124 nước trên thế giới có dịch bệnh này. Ngay cả các nước châu Âu dù không có nguồn lây tại chỗ nhưng cũng đã xuất hiện sốt xuất huyết.

Hiện nay có khoảng 4 tỉ người trên thế giới nằm trong vùng có nguy cơ mắc sốt xuất huyết, cứ mỗi phút có 1 người nhập viện vì sốt xuất huyết và mỗi 25 phút lại có 1 trẻ em chết vì sốt xuất huyết. Sự giao lưu thương mại, di biến động dân cư khiến dịch bệnh cũng có xu hướng... toàn cầu hóa. Bên cạnh đó, sự phát triển của mạng xã hội cũng trở thành con dao hai lưỡi khi các thông tin về chống vắc xin được lan truyền mạnh.

“Khi tìm kiếm về tiêm chủng trên công cụ Google, trong 100 trang web về tiêm chủng thì 43% trang nói về việc chống vắc xin. Một nghiên cứu cho thấy, nếu phụ huynh đọc từ 5-10 phút về chống vắc xin thì khả năng đưa con đi tiêm chủng cũng giảm đáng kể. Điều này khiến cho tỷ lệ tiêm chủng của chúng ta đang rất thấp và là một trong những yếu tố khiến bệnh truyền nhiễm lây lan”, Phó Giáo sư Phan Trọng Lân chia sẻ.
 
Trong khi đó, Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, lại chỉ ra bệnh không lây nhiễm chính là một trong những thách thức không nhỏ của Việt Nam hiện nay và trong tương lai.

Nghiên cứu của WHO năm 2016 cho thấy, tại Việt Nam có tới 77% trong tổng số các trường hợp tử vong là do các bệnh không lây nhiễm và đang có xu hướng gia tăng trong những năm tới nếu Việt Nam không có biện pháp kìm hãm hiệu quả. 

Để đạt được mục tiêu năm 2025 giảm được 25% người mắc các bệnh không lây nhiễm, Việt Nam cần giảm 40% tình trạng lạm dụng rượu, bia như hiện nay; giảm 30% tiêu thụ thuốc lá; giảm 30% lượng muối trong khẩu phần ăn... đồng thời tăng 50% người có nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm được tiếp cận và tư vấn các biện pháp phòng ngừa mắc bệnh không lây nhiễm.

Việt Nam cũng cần có sự đầu tư bài bản cho hệ thống y tế cơ sở, triển khai các gói y tế cơ bản, chi trả Bảo hiểm y tế nhiều hơn cho hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu... nhằm hạn chế đến mức tối đa tỷ lệ người dân mắc các bệnh không lây nhiễm. 

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết, y tế công cộng và y tế dự phòng ngày càng khẳng định vai trò không thể thiếu trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe con người. Do đó, rất cần có sự kết hợp nhiều chuyên ngành, cần được quan tâm từ cấp địa phương, tỉnh/thành phố, quốc gia, quốc tế và cần sự hợp tác toàn cầu trong nghiên cứu và hành động y tế công cộng để đạt mục tiêu này.
 
Trong bối cảnh biên giới các nước không còn sự ngăn cách như hiện nay thì vấn đề của nước này dễ dàng ảnh hưởng đến nước khác thông qua con đường hợp tác, du lịch; vì thế, cần có những công trình nghiên cứu cũng như sự hợp tác quốc tế mạnh mẽ hơn nhằm tìm ra giải pháp giảm thiểu các ảnh hưởng của các vấn đề y tế công cộng, hướng tới mục tiêu sức khỏe cho mọi người.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN

Hội nghị Khoa học Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh được định kỳ tổ chức 2 năm một lần, là diễn đàn khoa học của các chuyên gia, nhà khoa học, bác sĩ trong lĩnh vực y tế công cộng. Hội nghị lần thứ 20 này giới thiệu kết quả của 43 công trình nghiên cứu có giá trị từ các viện nghiên cứu, trường đại học, đơn vị y tế, các nhà khoa học trên cả nước, quốc tế, giúp giải quyết các vấn đề y tế công cộng của khu vực phía Nam nói riêng và của Việt Nam nói chung./.
                 Đinh Hằng
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm