Nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển ngành quảng cáo Thành phố Hồ Chí Minh

Nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển ngành quảng cáo Thành phố Hồ Chí Minh
Hội thảo là dịp để các cơ quan quản lý, nhà nghiên cứu và các chuyên gia trong cùng lĩnh vực thảo luận, trao đổi, tìm giải pháp thúc đẩy phát triển ngành quảng cáo thành phố thành trung tâm quảng cáo của cả nước, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và từng bước ngang tầm với các thành phố trong khu vực.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN

Theo Sở Văn hóa và Thể thao, quảng cáo ở Thành phố Hồ Chí Minh có yếu tố lịch sử để lại (trước năm 1975) và yếu tố đặc thù, lợi thế của trung tâm kinh tế - văn hóa lớn của cả nước. Hiện thành phố đa dạng các loại hình quảng cáo như quảng cáo trên báo chí, đài phát thanh - truyền hình, pa nô, bảng biển, hộp đèn, băng rôn, màn hình điện tử, LCD, đèn led, ấn phẩm.

Hình thức quảng cáo ngoài trời trên phương tiện giao thông; quảng cáo ngoài trời theo địa điểm cụ thể; quảng cáo trên đường giao thông… và đã có những đóng góp đáng kể cho tăng trưởng, phát triển của ngành và cả tốc độ tăng trưởng kinh tế thành phố.
 
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có ngành quảng cáo hướng đến các giá trị văn hóa tạo ra những sản phẩm - dịch vụ văn hóa có tính cạnh tranh cao, đóng góp tích cực cho nền kinh tế.
 
Tuy nhiên, thành phố hiện chủ yếu dựa vào loại hình quảng cáo truyền thống; chưa xây dựng và phát triển các đơn vị, doanh nghiệp quảng cáo lớn, hiện đại; chưa phát huy hết tiềm năng về con người, công nghệ, lợi thế về địa kinh tế, thị trường rộng lớn để đưa ngành này trở thành ngành mũi nhọn, trung tâm của thị trường kinh doanh dịch vụ của khu vực và cả nước.

Để giải quyết bài toán này, “Điều cần thiết là phát huy được những lợi ích của công nghiệp văn hóa, ngành quảng cáo trong việc tạo ra các giá trị gia tăng, đóng góp vào tổng sản phẩm quốc dân, thúc đẩy các mô hình kinh doanh, các cơ hội thương mại mới và đặc biệt quảng bá văn hóa, bản sắc con người Việt Nam”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình nhấn mạnh.
 
Cùng quan điểm, ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng cần phải có quy hoạch cụ thể về các loại hình quảng cáo, cách thức quảng cáo, ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong việc quảng cáo. Hoạt động ngành quảng cáo thành phố hướng đến mức tăng trưởng cao, phù hợp với xu hướng với thế giới, nhưng đồng thời vẫn đảm bảo hài hòa, nét văn hóa Việt và bản sắc văn hóa dân tộc.
 
Theo ông Võ Trọng Nam, trong thời đại công nghệ số, sự phát triển của nhiều loại hình truyền thông đa phương tiện thì quảng cáo cần có những đổi mới và cải tiến để bắt kịp với xu thế của thời đại. Ngành quảng cáo cần hướng đến quảng cáo tương tác, tích hợp, quảng cáo trên nền tảng số hóa và tích hợp giữa các loại hình, trong đó đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ AI, IoT, Blockchain và BigData...
 
Về vấn đề này, ông Nguyễn Quý Cáp, Chủ tịch Hội Quảng cáo Thành phố Hồ Chí Minh, nêu rõ: Trước mắt, các ngành chức năng cần khảo sát và cung cấp những số liệu liên quan đến ngành quảng cáo như: số liệu khảo sát mỗi người xem quảng cáo, thời lượng xem quảng cáo, lượng phương tiện giao thông có khả năng quảng cáo, số lượng quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng… Từ nền tảng số liệu này, ngành quảng cáo sẽ thuận lợi hơn trong việc quy hoạch, xây dựng chiến lược trung hạn, dài hạn đối với ngành quảng cáo thành phố.
 
Tại hội thảo, các đại biểu đã đánh giá thực trạng phát triển ngành quảng cáo ở thành phố về cơ sở vật chất, kỹ thuật, nguồn nhân lực, thị trường, doanh thu và lao động việc làm trong ngành này. Nhiểu đại biểu cũng góp ý về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển ngành quảng cáo đến năm 2030; những đóng góp của ngành quảng cáo cho tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP).
 
Các đại biểu cũng đề xuất nhiều mô hình quản lý, hình thức và chiến lược phát triển quảng cáo tại các bến tàu, nhà ga, bờ sông hay các trục đường, trung tâm thành phố. Nhiều đại biểu cho rằng quảng cáo trên phương tiện công cộng tạo được nguồn thu khá lớn để tái đầu tư cho giao thông. Cụ thể, năm 2016 tổ chức thí điểm quảng cáo trên 171 xe buýt thu gần 15 tỉ đồng; năm 2017 triển khai trên 492 xe thu được 54 tỷ đồng…
 
Theo Báo cáo thị trường quảng cáo số Việt Nam 2018, các xu thế nổi trội là xu hướng phổ biến hóa và dịch chuyển từ nền tảng máy tính sang di động; tỷ trọng quảng cáo chủ yếu chiếm đa số qua internet, xếp sau là qua truyền hình và các loại hình quảng cáo khác. Facebook và Google (gồm Youtube) vẫn đang dẫn đầu trong số những nền tảng mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam và chiếm gần 70% thị phần quản cáo trên internet…./. 
                Thanh Vũ
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm