Nhiều giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông khu vực trường học tại Thành phố Hồ Chí Minh

Nhiều giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông khu vực trường học tại Thành phố Hồ Chí Minh
Nguy hiểm rình rập trước cổng trường
Theo ghi nhận của phóng viên tại một số trường học trên địa bàn Thành phố như: Trường Trung học Phổ thông Trần Đại Nghĩa (Quận1), Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Trãi (Quận 4); Trường Trung học Cơ sở Lê Quý Đôn (Quận 3),… vào giờ đến trường, giờ tan tầm, cổng trường rất lộn xộn do phụ huynh đưa đón học sinh gây mất an toàn cho các phương tiện giao thông trên đường. Đặc biệt, tại các cổng trường tiểu học, mầm non, trường quốc tế, tình trạng mất an toàn trước cổng trường diễn ra phổ biến hơn.
Cảnh lộn xộn trước trường tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền (quận 3) vào giờ cao điểm. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN
Cảnh lộn xộn trước trường tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền (quận 3) vào giờ cao điểm. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN
 
Có mặt tại Trường Trung học Phổ thông Chuyên Trần Đại Nghĩa - điểm nóng có tính tiêu biểu về ùn ứ giao thông xung quanh khu vực trường học là do đặc thù vị trí địa lý của ngôi trường này.

Nguyên nhân khiến khu vực xung quanh trường này trở thành điểm nóng tiềm ẩn nguy cơ cao, xảy ra ùn ứ giao thông, đặc biệt trong các giờ vào học và tan học do nằm ở vị trí trung tâm thành phố, bao quanh bởi các tuyến đường nhộn nhịp, sầm uất nên hai tuyến đường Nguyễn Du và Lý Tự Trọng có mật độ phương tiện lưu thông lớn.

Mặt khác, đường Lý Tự Trọng còn thường xuyên có xe taxi dừng đậu không đúng nơi quy định để chờ đón khách ở Khu thương mại Vincom gần đó. Hơn nữa, vào giờ cao điểm buổi chiều, phụ huynh đi xe máy dừng đậu dưới lòng đường Nguyễn Du để đón con em tan học.
 
Tại Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Trãi, tình trạng xe vẫn thường xuyên tiếp diễn do có Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cùng nằm trên đường Nguyễn Tất Thành rất đông sinh viên theo học. Bên cạnh đó, nhiều xe tải, xe container lưu thông qua tuyến đường này về phía các Cảng container tập trung ở Quận 7, khiến khu vực này luôn là điểm nóng kẹt xe trong giờ cao điểm.
 
Theo một cán bộ Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Trãi, nguyên nhân được xác định là do thói quen sinh hoạt của phụ huynh đã có từ trước đó. Sáng sớm khi đi làm, phụ huynh tiện thể đưa con tới trường rồi đến nơi làm việc, chiều về vội vàng tranh thủ đến trường đón học sinh. Vì vậy, dù có điều chỉnh giờ vào học, ra về lệch giờ làm việc nhưng không có nhiều phụ huynh điều chỉnh giờ đưa con đi học và đón các em về.
 
Ngoài tình trạng mất an toàn trước cổng trường, hiện nay, nhiều phụ huynh đưa đón học sinh không đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi xảy ra tai nạn khiến nhiều em tử vong. Đơn cử vụ tai nạn giữa xe máy và xe bồn xảy ra khoảng 11 giờ ngày 23/8 trên cầu Phú Xuân thuộc huyện Nhà Bè, khiến hai học sinh tử vong. Thời gian trên, người đàn ông lái xe máy đón hai học sinh (một cháu lớp 3 và một cháu lớp 7) đang trên đường đi học về, chạy trên đường Huỳnh Tấn Phát, hướng từ Quận 7 đi Nhà Bè đã xảy ra tai nạn.
 
Mặt khác, tại một số trường Trung học phổ thông vẫn còn hiện tượng học sinh đi xe máy phân khối lớn, xe đạp điện đến trường. Đơn cử, Trường Trung học Phổ thông Marie Curie (Quận 3), Trung học Phổ thông Võ Thị Sáu (Bình Thạnh), Trung học Phổ thông Hiệp Bình (Thủ Đức),… người đi đường vẫn bắt gặp học sinh trong bộ đồng phục lái những chiếc xe máy hiệu Vision, Air Blade, Wave, Dream,... Do không được gửi trong trường, nhiều học sinh gửi xe tại các điểm tư nhân gần trường.
 
Đại diện Trường Trung học Phổ thông Marie Curie (Quận 3) cho biết: Nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền về an toàn giao thông cho học sinh. Đối với hành vi không đội mũ bảo hiểm hay đi xe phân khối lớn, nếu em nào vi phạm sẽ bị hạ hạnh kiểm thi đua. Trường yêu cầu phụ huynh ký cam kết không cho con em tự lái xe phân khối lớn và phần lớn các em thực hiện nghiêm túc. Khi các em ra ngoài đường, cần có sự kết hợp của rất nhiều lực lượng, cơ quan chức năng khác. Đặc biệt, vai trò của gia đình trong việc giáo dục con em ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ.
 
Nhiều giải pháp an toàn giao thông
Để giải quyết tình hình trên, theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông Thành phố Hồ Chí Minh, khu vực xung quanh các điểm trường đã và đang tiếp tục được các cơ quan chức năng quan tâm triển khai nhiều giải pháp xử lý kỹ thuật để tăng cường đảm bảo an toàn giao thông. Các giải pháp khá đa dạng và linh động áp dụng tùy theo đặc điểm tình hình khu vực của từng điểm trường.
Phụ huynh đưa đón học sinh gây ra cảnh lộn xộn trước trường tiểu học Bành Văn Trân (quận Tân Bình). Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN
Phụ huynh đưa đón học sinh gây ra cảnh lộn xộn trước trường tiểu học Bành Văn Trân (quận Tân Bình). Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN
 
Cụ thể, Trường Chuyên Trần Đại Nghĩa, Sở Giao thông Vận tải Thành phố đã cấm dừng và đậu xe trên đường Lý Tự Trọng, đoạn từ đường Đồng Khởi đến đường Hai Bà Trưng, trước khu thương mại Vincom. Đường Nguyễn Du cấm dừng và đậu xe tương tự, nhưng cho phép phương tiện dừng xe từ 16 -18 giờ, tức giờ tan trường buổi chiều. Trên đường Đồng Khởi gần đó, Sở Giao thông Vận tải Thành phố đã điều chỉnh cấm dừng và đậu xe, đoạn từ đường Nguyễn Du đến đường Lê Thánh Tôn, nhằm giúp tăng khả năng thông xe tại giao lộ Nguyễn Du - Đồng Khởi, cũng như tăng khả năng thông hành trên đường Nguyễn Du. Một biện pháp nữa là Nhà trường đã phối hợp với Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (thuộc Sở Giao thông Vận tải) sử dụng xe buýt đưa đón học sinh.
 
Ðể hạn chế hiểm họa từ xe phân khối lớn, xe đạp điện, các cơ quan quản lý nhà nước cần thay đổi quy định liên quan việc kiểm soát xe điện trong quá trình sửa đổi Luật Giao thông đường bộ; yêu cầu xe đạp điện phải đăng ký đúng tiêu chuẩn, đáp ứng tiêu chuẩn mới cho lưu hành. Ngoài hình thức tuyên truyền trong nhà trường, các địa phương cần kiểm soát việc không cho phép tổ chức các bãi giữ xe gần trường học, đồng thời Cảnh sát Giao thông thường xuyên tổ chức kiểm tra giấy phép lái xe của học sinh thay vì “ngó lơ” cho các em như hiện nay” - Ông Nguyễn Ngọc Tường nói.
 
Thực hiện chủ đề năm 2018 là “An toàn giao thông cho trẻ em” với tinh thần “Tính mạng con người là trên hết”, đầu năm học 2018-2019, Phòng Cảnh sát Giao thông đường sắt – đường bộ, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức tặng 1000 mũ bảo hiểm đạt chuẩn cho trẻ em tại 4 địa điểm gồm: Giao lộ Trần Hưng Đạo – Nguyễn Thái Học, Quận 1; khu vực trước cổng Trường Tiểu học Hiệp Bình Phước (số 630 Quốc lộ 13), quận Thủ Đức; khu vực giao lộ Quốc lộ 22 – Việt Hưng, Quận 12 và khu vực trước Trụ sở UBND xã Đa Phước, huyện Bình Chánh (Quốc lộ 50).
 
Theo Đại úy Trần Thị Hồng Nhung, Phó Tổ trưởng tổ Tuyên truyền thuộc Phòng Cảnh sát Giao thông đường sắt – đường bộ, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, để kéo giảm ùn tắc, kẹt xe trước các cổng trường, đơn vị đang xây dựng kế hoạch ký kết liên tịch với Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố. Đồng thời, Phòng bố trí cán bộ - chiến sĩ phối hợp với dân quân, dân phòng, cán bộ trật tự đô thị ở địa phương chốt trực, đảm bảo trật tự, xử lý vi phạm giao thông ở trước các cổng trường trong các giờ cao điểm sáng - chiều, giờ tan trường của học sinh.
 
Trên các tuyến đường Quốc lộ 1, Thành phố xây cầu vượt trước Bến xe ngã tư Ga và gần Trường Đại học Văn Hiến, Quận 12; cầu vượt trước khu vực Trường Trung học Cơ sở Thông Tây Hội, quận Gò Vấp và cầu vượt khu vực Trường Đại học Tôn Đức Thắng trên đường Nguyễn Hữu Thọ, Quận 7.
 
Về phía nhà trường, theo ông Nguyễn Văn Phú, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trương Quyền, Quận 3, Lãnh đạo Nhà trường thường xuyên nhắc nhở phụ huynh không đi ngược chiều trước cổng trường, không đứng ngoài cổng mà vào trong sân có ghế đá phụ huynh cho con ăn sáng không gây ùn tắc giao thông. Hàng ngày, trường  phối hợp với địa phương cử lực lượng bảo vệ, dân quân tự vệ hỗ trợ đảm bảo an toàn trước cổng trường. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trương Quyền cho rằng, nhận thức, ý thức phụ huynh là quan trọng nhất, giải pháp căn cơ phải xử lý theo quy định pháp luật, phải có chế tài, xử phạt mới lập lại kỷ cương, nề nếp.
 
Tiến sĩ Phạm Đăng Khoa, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Lê Quý Đôn, Quận 3 chia sẻ: Do trường áp dụng đi học lệch giờ, trước cổng trường đảm bảo thông thoáng, Ban An toàn Giao thông Thành phố đã làm hàng rào trên vỉa hè, nhắc nhở phụ huynh cho các em đi bộ trong phạm vi vỉa hè khi vào cổng trường; đồng thời giáo dục các em thường xuyên liên tục lâu dài về an toàn giao thông, tổ chức thi thiết kế băng rôn, lời cổ động tuyên truyền về an toàn giao thông.
 
Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt, mang tính tạm thời. Về lâu dài, thành phố cần sớm đẩy nhanh thực hiện các giải pháp chiến lược, chẳng hạn như chuyến xe đưa đón học sinh, cho trẻ em đi bộ đến trường có khoảng cách từ nhà khoảng 500m -700m, hướng tới các em sử dụng phương tiện vận tải công cộng…”,  Phó Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Tường cho hay

Ông Nguyễn Ngọc Tường cho biết thêm, Ban đang thí điểm mô hình trường học an toàn đảm bảo trật tự, xử lý vi phạm giao thông ở trước các cổng trường: Tiểu học Kết Đoàn (Quận 1), Trung học Cơ sở Mạch Kiếm Hùng (Quận 5), Trung học Cơ sở Phạm Văn Chí, Tiểu học Hùng Vương (Quận 6).
 
Theo đó, Ban đã phối hợp Quỹ phòng chống thương vong châu Á, Sở Giao thông Vận tải Thành phố và chính quyền các địa phương này bố trí đèn tín hiệu, dãy phân cách, đảo dừng chân, lằn sơn, biển báo hạn chế tốc độ qua cổng trường học, đồng thời yêu cầu các địa phương lặp lại trật tự vỉa hè, lề đường thông thoáng. Từ đó, Ban sẽ nhân rộng mô hình này đến 37 điểm trường trên địa bàn Quận 1, Quận 5, Quận 6 để lặp trật tự an toàn giao thông, nhất là đảm bảo an toàn cho các học sinh./.
                 Hoàng Hải

Có thể bạn quan tâm