Nhấn mạnh vai trò liên kết “ba nhà” trong phòng, chống hàng giả

Nhấn mạnh vai trò liên kết “ba nhà” trong phòng, chống hàng giả
Đây là hoạt động nhân ngày Phòng chống hàng giả, hàng nhái Việt Nam 29/11, qua đó nhấn mạnh vai trò liên kết giữa “ba nhà” (Nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng) trong phòng chống hàng giả.
Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Tiến Lực - TTXVN
Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Tiến Lực - TTXVN
   
Ông Nguyễn Thành Danh - Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Bình Dương cho biết, nhiều doanh nghiệp, người tiêu dùng đã hỗ trợ rất tốt cho công tác phòng chống hàng giả. Lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương đã bắt giữ nhiều vụ hàng giả quy mô lớn nhờ thông tin do chính người tiêu dùng cung cấp. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thật sự hợp tác với cơ quan chức năng vì lo lắng nếu công bố thông tin phân biệt hàng thật – hàng giả có thể bị đối tượng nắm bắt để làm giả.
   
Theo ông Nguyễn Thành Danh, đây là suy nghĩ chưa đúng, bởi thực tế các đối tượng đã sản xuất hàng giả, nghĩa là đã nắm chắc thông tin. Nếu lo lắng, doanh nghiệp có thể công bố một số cách phân biệt, ví dụ 5/10 dấu hiệu nhận biết hàng thật – hàng giả, để người tiêu dùng biết lựa chọn. Vừa qua, một số vụ việc, quản lý thị trường biết là hàng giả (nhận biết), nhưng không có chủ sở hữu quyền nên không thể xác định được hàng thật – giả. Doanh nghiệp tư duy chưa đúng, nên hiệu quả đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng nhái chưa cao.
  
Tại Diễn đàn, các chuyên gia đặt ra nhiều vấn đề về giải pháp để bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng; doanh nghiệp nên chọn đối mặt hay tìm cách “xóa dấu vết” về thông tin sản phẩm của mình bị làm giả, nhái… Ông Trần Minh Loan - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam chia sẻ, việc phòng, chống hàng giả hiện nay được xem là bài toán khó hơn trước nhưng chúng ta vẫn sử dụng “cách giải” cũ là không phù hợp. Doanh nghiệp cần đưa vấn đề hàng giả, hàng nhái vào chiến lược kinh doanh của mình. Muốn xây dựng thương hiệu lâu dài, doanh nghiệp phải có chiến lược này.
  
Từ thực tế doanh nghiệp, bà Phạm Thị Đào - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất mỹ phẩm Anh Đào cho biết, để phòng, chống hàng giả, công ty đã đầu tư rất nhiều cho việc phát hiện hàng giả, thậm chí thuê thám tử để theo dõi các đối tượng nghi vấn. Hiện hàng giả, hàng nhái rất phức tạp, bởi chế tài của chúng ta chưa đủ sức răn đe nên các đối tượng có tư tưởng “thua keo này, bày keo khác”. Do đó, không chỉ chờ cơ quan chức năng, doanh nghiệp phải tự cứu lấy mình.
 
Hiện vấn nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, kém chất lượng và không rõ nguồn gốc xuất xứ tràn lan trên thị trường, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý mua sắm, tiêu dùng của người tiêu dùng. Những ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dược phẩm… bị giả mạo, không rõ xuất xứ còn đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của người tiêu dùng.
Đại biểu tìm hiểu cách xác định nguồn gốc xuất xứ sản phẩm tại diễn đàn. Ảnh: Tiến Lực - TTXVN
Đại biểu tìm hiểu cách xác định nguồn gốc xuất xứ sản phẩm tại diễn đàn. Ảnh: Tiến Lực - TTXVN
   
Ông Trần Văn Dũng - đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, sắp tới Tổng cục sẽ triển khai một trang mạng, trong đó tăng cường sự giao tiếp, kết nối doanh nghiệp, người tiêu dùng và cơ quan quản lý nhà nước; tạo thuận lợi cho việc tuyên truyền, giúp người tiêu dùng, doanh nghiệp phản ánh thông tin về hàng giả tới cơ quan chức năng. Tổng cục cũng sẽ thực hiện tuyên truyền, ký cam kết về phòng chống hàng giả có chọn lọc ở những khu chợ, trung tâm thương mại, khu vực có sản xuất, kinh doanh hàng giả…
   
Ông Trần Giang Khuê - Phó trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn xem xét, sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản khác nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế việc phòng, chống hàng giả, hàng nhái, không rõ xuất xứ nguồn gốc./.
 Tiến Lực
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm