Nghịch cảnh dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm (Bài cuối)

Nghịch cảnh dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm (Bài cuối)
Bài 2 (Tiếp theo và hết): Đất tái cư vẫn giao cho doanh nghiệp làm dự án
Thông báo 1483 của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, nguyên nhân là do thành phố đã giao đất cho 5 doanh nghiệp đầu tư dự án kinh doanh nhà ở, khu vui chơi, giải trí, thương mại với tổng diện tích 23,3 ha thuộc phường Bình An, quận 2 trước khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch và bổ sung vào trong ranh quy hoạch khoảng 4,3 ha thuộc một phần khu phố 1, phường Bình An hiện nay và làm giảm 26,3 ha trong khu tái định cư 160 ha.
Một góc Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: Quang Nhựt - TTXVN
Một góc Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: Quang Nhựt - TTXVN
 
Thậm chí khu tái định cư 160 ha trong Tờ trình số 1861/TT-UB-QLĐT ngày 27/5/1996 của UBND thành phố gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin phê duyệt quy hoạch xây dựng 1/5000 khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng không nêu cụ thể vị trí, ranh giới, không có hồ sơ, bản đồ quy hoạch kèm theo, chưa có ý kiến thẩm định của Bộ Xây dựng.
 
Không chỉ vậy, chỉ trong ngày 22/3/2002 UBND thành phố có 2 Thông báo số 77/TB-VP và số 78/TB-VP giao kiến trúc sư trưởng thành phố, Giám đốc Sở Địa Chính - Nhà đất cắm mốc đủ 770 ha đất của khu trung tâm, theo giải pháp bổ sung diện tích khu tái định cư Bình Khánh vào khu trung tâm; chỉ cần đảm bảo diện tích 160 ha tái định cư, không nhất thiết một địa điểm, có thể bố trí từ 3 đến 4 địa điểm trên địa bàn quận 2.
 
Theo Thông báo 1483 của Thanh tra Chính phủ, tổng diện tích đất đã được UBND thành phố quy hoạch, bố trí tái định cư phục vụ cho khu đô thị mới Thủ Thiêm đúng theo quy hoạch Thủ tướng phê duyệt thuộc 5 phường là 46,1 ha, còn thiếu 113,9 ha chưa được quy hoạch, bố trí tái định cư nhưng không báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
 
Trong phạm vi 5 phường ngoài ranh khu trung tâm khu đô thị mới Thủ Thiêm, mặc dù đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch khu tái định cư 160 ha, nhưng UBND thành phố đã giao đất cho 51 dự án sau khi có quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để đầu tư xây dựng nhà ở, văn phòng, khu vui chơi giải trí, công trình công cộng… với tổng diện tích khoảng 144,6 ha.
 
Thay vì tạm thời dừng giao đất cho các dự án không cấp thiết, quản lý chặt chẽ sự biến động của quỹ đất trong khu vực đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thì UBND thành phố lại chấp thuận chủ trương, tạm giao cho 6 dự án với diện tích 27,7 ha và quyết định giao đất chính thức cho 45 dự án với tổng diện tích khoảng 116,9 ha. Hậu quả là không có đủ đất để bố trí tái định cư theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
 
Ngoài ra, việc UBND Thành phố có văn bản số 1122/UBND-ĐTMT ngày 20/2/2008 chấp thuận chuyển mục đích sử dụng 30,1 ha đất của Công ty Thế kỷ 21 tại dự án khu du lịch, văn hóa, giải trí thuộc phường Bình Khánh sang xây dựng khoảng 4.000 căn hộ tái định cư và hoán đổi bằng 30,2 ha đất sạch thuộc 90,2 ha khu tái định cư Nam Rạch Chiếc.
 
Tuy nhiên, sau đó lại chấp thuận cho chuyển khu đất tái định cư này sang mục đích đầu tư kinh doanh nhà ở mà không thực hiện đấu giá theo quy định, tính tiền sử dụng đất không đúng thời điểm giao đất.
 
Theo hồ sơ thu thập được, bản phụ lục kèm theo Công văn số 7393/UBND-ĐTMT ngày 31/10/2007 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh xác định, có 4 dự án được điều chỉnh ngoài ranh khu trung tâm khu đô thị mới Thủ Thiêm theo Quyết định số 13585/KTST-QGH ngày 16/9/1998 của kiến trúc sư trưởng thành phố.
 
Cụ thể là dự án của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Lê Quan có quy mô 5,05 ha tại phường Bình An, làm khu du lịch sinh thái, được Thủ tướng Chính phủ giao đất năm 1994. Dự án của Công ty TNHH May thêu thương mại Lan Anh có quy mô 4,01 ha tại phường Bình An, được UBND Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận địa điểm xây dựng trong tháng 4/1998, Thủ tướng Chính phủ giao đất trong tháng 2/2000.
 
Dự án của Công ty Đầu tư phát triển đô thị thuộc Tổng Công ty Xây dựng số 1, Bộ Xây dựng với quy mô 1,87 ha tại phường Bình An (khu biệt thự), được Bộ Xây dựng duyệt dự án đầu tư tháng 7/1998, Thủ tướng Chính phủ giao đất trong tháng 10/1998.
 
Khu đất 8 ha tại phường Bình An của Ngân hàng Eximbank, từ năm 1991 – 1995, Epco Minh Phụng nhận chuyển nhượng đất của các hộ dân, đến năm 1997 khởi tố vụ án Epco Minh Phụng, khu đất này bị kê biên. Đến tháng 3/2000, thi hành án Thành phố Hồ Chí Minh giao khu đất cho Eximbank để thu hồi nợ. Năm 2004, Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức mua đấu giá và được UBND Thành phố Hồ Chí Minh giao đất với diện tích 6,4 ha.
 
Về sau, UBND Thành phố Hồ Chí Minh lập ra khu chỉnh trang 80 ha (sát kề Khu trung tâm khu đô Thủ Thiêm), sau đó mở rộng thành 335ha. Điều này được thể hiện tại Quyết định số 222/QĐ-UBND ngày 17/1/2008 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 khu dân cư chỉnh trang kế cận khu đô thị mới Thủ Thiêm.
 
Với quyết định nói trên, đất được giao cho hàng chục doanh nghiệp có sau quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong khu tái định cư 160 ha nghiễm nhiên không phải di dời và trở thành một phần của "khu dân cư chỉnh trang kế cận".
 
Công văn số 1927/UBND-QLĐT ngày 7/7/2009 của UBND quận 2 xác định, có nhiều dự án đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và hoàn chỉnh thủ tục pháp lý đầu tư nằm trong khu dân cư chỉnh trang kế cận khu đô thị mới Thủ Thiêm (335 ha) hiện nay không còn phù hợp quy hoạch được duyệt theo Quyết định số 6565/QĐ-UBND do thuộc quy hoạch công viên cây xanh nằm trên địa bàn phường Bình Khánh, Bình An, quận 2. Nếu để chủ đầu tư tiếp tục triển khai dự án sẽ gây khó khăn trong việc lập và quản lý quy hoạch chi tiết 1/2000 khu vực. Vì thế UBND quận 2 kiến nghị UBND thành phố tạm ngưng việc xây dựng các dự án trong khu 335 ha.
 
Các dự án thuộc khu dân cư chỉnh trang 80 ha kế cận khu đô thị mới Thủ Thiêm không phù hợp quy hoạch gồm dự án của Công ty TNHH May thêu Lan Anh, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Lê Quan, Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức, Công ty CP Hà Quang, Công ty TNHH Thương mại xây dựng và kinh doanh Tân Hồng Uy, Công ty TNHH Thương mại Him Lam, Công ty Xây dựng May thêu Trường Thịnh, Xí nghiệp cơ khí 78, Công ty Quản lý phát triển nhà Cần Giờ, Công ty Dịch vụ phát triển đô thị, Công ty CP Đầu tư Thủ Thiêm, Công ty Xây dựng thương mại Sài Gòn 5, Công ty TNHH Xây dựng kinh doanh nhà Khởi Thành và cá nhân ông Tăng Tuấn Thành.
 
Những việc làm trên thể hiện việc quản lý sử dụng đất bị buông lỏng, thiếu kiểm soát, giao đất tràn lan cho các dự án, làm phá vỡ không gian, quy mô quy hoạch, đặc biệt là không bảo đảm được quỹ nhà, đất phục vụ tái định cư theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thành phố đã giao đất không đúng thẩm quyền, không qua đấu giá, tính toán tiền sử dụng đất chưa đúng quy định, các dự án qua kiểm tra đều có vi phạm về quy hoạch và giấy phép xây dựng như lấn sông, xây dựng công trình sai quy hoạch, vượt số tầng…”, Thông báo 1483 của Thanh tra Chính phủ nêu rõ.
 
Rõ ràng với những sai phạm, khuất tất tại dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm mà Thông báo 1483 của Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ, cần phải xử lý nghiêm tổ chức, cán bộ vi phạm, tôn trọng và đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân có đất bị thu hồi.

Có như vậy, dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm mới có thể tiếp tục nhận được sự đồng tình, chia sẻ rộng rãi từ người dân, đảm bảo mục đích tốt đẹp ban đầu như phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ./.
  Trần Xuân Tình
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm