Ngập lụt tại Tp. Hồ Chí Minh nhìn từ công tác quy hoạch - Bài 3: Quy hoạch chống ngập đi sau... ngập

Ngập lụt tại Tp. Hồ Chí Minh nhìn từ công tác quy hoạch - Bài 3: Quy hoạch chống ngập đi sau... ngập

* Công trình chống ngập triển khai chậm 

Để giải quyết vấn đề thoát nước của thành phố đến năm 2020, từ năm 2001 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 752/QĐ-TTg (gọi tắt là quy hoạch 752); đến năm 2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1547/QĐ-TTg (gọi tắt là quy hoạch 1547) quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực thành phố. Quy hoạch 752 xác định diện tích vùng nghiên cứu rộng 581km2, được chia thành 6 vùng thoát nước gồm trung tâm, Bắc, Nam, Tây, Đông Bắc, Đông Nam thành phố. Thực hiện quy hoạch này, hiện nay thành phố chỉ mới đầu tư nâng cấp được 1.344 km trong số 6.000 km hệ thống cống thoát nước (đạt 27,4%), nạo vét, cải tạo 4 trục tiêu thoát nước chính dài 60,3 km trong số 5.075 km (đạt 1,19%). 

Triều cương kết hợp với mưa lớn gây ngập nặng tại quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ- TTXVN
Triều cương kết hợp với mưa lớn gây ngập nặng tại quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ- TTXVN


Đối với vùng trung tâm, thành phố đã và đang triển khai dự án vệ sinh mội trường, cải thiện môi trường nước, nâng cấp đô thị, qua đó đầu tư 588km/780km tuyến kênh (75%), vùng Bắc đầu tư 456km/1.525km (30%), vùng Tây đầu tư 607km/451km; vùng Nam đầu tư 510km/862km (59%), vùng Đông Bắc đầu tư 208km/1.045km (20%), vùng Đông Nam đầu tư 224km/1.326km (đạt 17%). Về xây dựng hệ thống hồ điều tiết, thành phố đang hoàn thiện quy hoạch mạng lưới hồ điều tiết phân tán để giảm ngập úng, xác định 103 vị trí cần xây dựng nhưng hiện cũng chỉ mới triển khai được 3 hồ điều tiết là công viên Gò Dưa (quận Thủ Đức), khu vực Bàu Cát (quận Tân Bình) và công viên Khánh Hội (quận 4). 

Trong khi đó, quy hoạch 1547 xác định, diện tích vùng nghiên cứu quy mô 968.500 ha; trong đó, khu vực Tp. Hồ Chí Minh là 209.500 ha, còn lại là vùng phụ cận (hạ du sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông). Thực hiện quy hoạch 1547 thành phố đã triển khai dự án thủy lợi bờ hữu sông Sài Gòn (Bến Súc - Vàm Thuật với đoạn đê dài 64,33 km, diện tích bảo vệ 11.315 ha), hoàn thành dự án xây dựng cống Nhiêu Lộc - Thị Nghè và dự án 5 cống tại quận Thủ Đức, xây đê bờ tả sông Sài Gòn (Cầu Bình Phước - Rạch Cầu Ngang với 424m đê, 4 cống), xây kè ngăn triều chống ngập tại phường 16, quận 8 (hoàn thành cống kiểm soát triều rạch Ruột Ngựa), xây bờ kè khu phố 8, quận Thủ Đức (hoàn thành 694m đê kè). 

Theo UBND Tp. Hồ Chí Minh, mặc dù đạt được nhiều kết quả, giảm ngập tại nhiều vị trí, nhưng do việc thực hiện quy hoạch diễn ra rất chậm nên hiệu quả công tác chống ngập còn nhiều hạn chế. Công tác quy hoạch đô thị không theo kịp tốc độ gia tăng dân số. Trong quá trình xây dựng, một số tuyến đường chính được nâng cao theo đúng cao trình quy hoạch (2m), nhưng đa số nhà dân có cốt nền thấp hơn, hệ thống thoát nước lại không được đấu nối đồng bộ dẫn đến nước chảy tràn vào nhà dân mỗi khi mưa lớn. 

Cùng với đó, quản lý đô thị diễn ra lỏng lẻo để nhiều dự án san lấp rạch nhưng không xây hồ điều tiết khiến nhiều khu vực trữ nước tự nhiên bị thu hẹp. Tình trạng bê tông hóa hạ tầng kỹ thuật giao thông đường bộ ngày càng cao, làm giảm khả năng điều tiết nước, hạn chế diện tích thẩm thấu. Tính từ đầu năm 2016 đến nay có 65 vị trí lấn chiếm kênh rạch, đã xử lý được 2 vị trí. Ngoài ra thành phố đang tiếp tục xử lý 92 tuyến cống, 104 hầm ga, 59 cửa xả bị lấn chiếm. 

* Phát triển đô thị quá "nóng" 

Theo nhiều chuyên gia, ngoài lý do thực hiện quy hoạch chống ngập chậm chạp còn phải kể đến việc phát triển đô thị quá "nóng" nhằm đáp ứng tốc độ đô thị hóa quá nhanh đã khiến công tác chống ngập chưa hiệu quả, thậm chí thành phố đang phải "trả giá" cho nhiều vấn đề về quy hoạch. 

Tại hội thảo được tổ chức gần đây ở Tp. Hồ Chí Minh liên quan đến quy hoạch đô thị, Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, từ năm 1990, chính quyền thành phố chủ trương phát triển về phía Nam, tiến ra biển Đông với việc hình thành nhà máy điện Phú Mỹ (1, 2), khu chế xuất Tân Thuận, khu đô thị cảng Hiệp Phước… Tuy nhiên, phía Nam được xem là vùng trũng nhất, như một "túi chứa nước", mỗi khi triều cường hoặc mưa lớn thì nước mặt đổ dần về đây để cứu thành phố khỏi ngập. Chính việc phát triển khu Nam thiếu kiểm soát đã làm mất hoàn toàn túi nước, đưa đến tình cảnh ngập sâu và rộng ở nội thành, các điểm ngập gia tăng từng năm như hiện nay. 


Dưới góc độ thực hiện quy hoạch, theo PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, công tác quy hoạch của thành phố còn bất cập, chưa tích hợp được quy hoạch đô thị với quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch sử dụng đất. Việc lựa chọn đất và định hướng phát triển đô thị chưa được đánh giá một cách đầy đủ, nhất là quy hoạch các khu công nghiệp, phát triển đô thị mới ở khu vực phía Nam vốn thấp vũng và là khu vực thoát nước của thành phố. 

PGS.TS Lưu Đức Cường, Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia cho rằng. diện tích ao hồ, kênh rạch bị san lấp tăng lên khiến khả năng thoát nước tại chỗ của khu vực này bị giảm xuống trong khi diện tích bê tông hóa do thi công dự án nhiều thêm khiến lượng nước chảy trên bề mặt không thoát kịp vào lòng đất. Trong vòng 15 năm trở lại đây, Tp. Hồ Chí Minh đã biến mất 47 con kênh (rạch Ông Kích, Bà Lài, rạch Cụt, Đầm Sen, Ao Sen…) với tổng diện tích 16,4 ha, việc san lấp 7,4 ha hồ Bình Tiên càng khiến khả năng chứa nước của hệ thống ao hồ, vùng ngập nước của thành phố giảm 10 lần. 

"Quá trình đô thị hóa tự phát hoặc đô thị hóa dưới chính sách sai lầm về vị trí phát triển, cách thức phát triển đã gián tiếp gây nên ngập lụt. Điển hình là sự phát triển mạnh mẽ về phía Nam thành phố trên nền đất yếu, thấp hay sự phát triển tự phát hai bên bờ sông Sài Gòn về phía thượng lưu đã khiến hàng ngàn héc ta diện tích chứa nước bị biến mất”, PGS.TS Lưu Đức Cường phân tích. 



Có thể bạn quan tâm