Nâng cao năng lực ứng phó thị trường cho doanh nghiệp chế biến gỗ

Nâng cao năng lực ứng phó thị trường cho doanh nghiệp chế biến gỗ
Theo ông Trần Văn Công, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, trong những năm gần đây, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm gỗ đã và đang trở thành một ngành kinh tế quan trọng, chủ lực trong nền kinh tế của nước ta.

Đây là một ngành kinh tế không những có thể đem lại nhiều việc làm, tạo ra thu nhập cho người lao động mà còn là một trong những ngành có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn hiện nay. Tuy nhiên, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đang đối mặt với những quy định của thị trường, chủ yếu về tính hợp pháp của gỗ.
Gian hàng trưng bày nhân dịp Hội chợ đồ gỗ và trang trí nội thất Việt Nam 2016 (VIFA HOME 2016) tại Nhà thi đấu Thể dục thể thao Phú Thọ. Nguồn: thanhuytphcm.vn
Gian hàng trưng bày nhân dịp Hội chợ đồ gỗ và trang trí nội thất Việt Nam 2016 (VIFA HOME 2016) tại Nhà thi đấu Thể dục thể thao Phú Thọ. Nguồn: thanhuytphcm.vn

Đơn cử, thị trường Hoa Kỳ đã thực thi Đạo luật Lacey về tính hợp pháp của gỗ từ năm 2010; thị trường EU có Quy chế gỗ của EU (EUTR).

Tháng 5/2017, Việt Nam và EU cũng đã kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại gỗ và sản phẩm gỗ (VPA/FLEGT).

Khi thực thi Hiệp định này, các sản phẩm gỗ Việt Nam xuất sang EU phải có giấy phép FLEGT. Trong tương lai, việc đảm bảo tính hợp pháp của gỗ trong sản xuất, chế biến và thương mại sẽ được áp dụng cho tất cả các thị trường.
 
Đáng chú ý, theo ông Trần Hiếu Minh, đại diện Tổng cục Lâm nghiệp, nội dung chính của Hiệp định VPA/FLEGT là Việt Nam sẽ xây dựng và vận hành hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS) để xác minh nguồn gốc gỗ của toàn bộ chuỗi cung ứng từ nguồn gốc đầu vào đến khâu chế biến, xuất khẩu và cấp phép FLEGT. Đổi lại, lô hàng xuất khẩu có giấy phép FLEGT của Việt Nam sẽ được tự do thông quan vào EU mà không phải thực hiện trách nhiệm giải trình nguồn gốc gỗ hợp pháp theo EUTR.
 
Đại diện Tổng cục Lâm nghiệp cũng cho biết, so với quy định pháp luật hiện hành về quản lý chuỗi cung ứng thì Hiệp định VPA/FLEGT có 4 nội dung mới mà các doanh nghiệp cần lưu ý và thực hiện. Đó là quản lý, kiểm soát gỗ nhập khẩu, phân loại tổ chức, doanh nghiệp, xác minh xuất khẩu và cấp phép FLEGT.
 
Từ kinh nghiệm thực tế của các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn, đại diện Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương cho rằng, để đáp ứng các quy định của Hoa Kỳ và EU về vấn đề này, các doanh nghiệp trước hết phải tạo được uy tín với khách hàng, bằng cách trình các chứng từ chứng minh xuất xứ nguồn gốc gỗ hợp pháp cho nhà nhập khẩu đầu đủ, đúng lúc, đúng yêu cầu.

Một số doanh nghiệp đã chọn giải pháp mua gỗ nguyên liệu từ nhà cung cấp do khách hàng giới thiệu để chắc chắn đạt tiêu chuẩn gỗ hợp pháp của khách hàng nếu giá từ nhà cung cấp này tốt.
 
Bên cạnh đó, năng lực của nhân viên cũng phải đảm bảo trong việc am hiểu về quy trình xuất nhập khẩu, lưu trữ hồ sơ từ đầu quá trình, kiểm tra tính hợp pháp của giấy chứng nhận xuất xứ, năng lực quản lý sản xuất, quản lý được nguyên liệu đầu vào, đầu ra theo từng lô hàng…/.
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm